Đây được xem như một cuộc “tổng tiến công” lớn của thể thao VN với sự vào cuộc toàn diện từ cấp Chính phủ cho đến các bộ ngành liên quan như: Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ...
Mục tiêu của đề án ghi rõ: Hệ thống tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao tại VN cần được đổi mới, hoàn thiện, thống nhất quản lý theo hướng tiên tiến, chuyên nghiệp, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất của VĐV và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phấn đấu đưa VN đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục. Sẽ tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 VĐV đội tuyển quốc gia, trong đó khoảng 400 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 HLV tài năng (tuổi từ 25 - 45), trong đó khoảng 60 HLV cao cấp, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện VĐV thi đấu đoạt huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế...
Đề án đã lựa chọn cụ thể 16/32 môn thể thao trọng điểm hiện nay gồm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, taekwondo, bắn súng, bắn cung, vật, đấu kiếm, quyền anh, thể dục dụng cụ, bóng đá, xe đạp, đua thuyền, karatedo, pencak silat, wushu để đầu tư. Số lượng từng người ở các môn sẽ được Bộ VH-TT-DL xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế. Thời gian bắt đầu tuyển chọn, cử đi đào tạo, huấn luyện bắt đầu từ năm 2019 và bảo đảm khóa đào tạo, huấn luyện, tập huấn ngắn hạn cuối cùng hoàn thành vào năm 2035 khi đề án kết thúc.
Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án được huy động từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Một lãnh đạo ngành thể thao cho biết, tổng kinh phí cho 16 năm thực hiện đề án có thể lên đến vài nghìn tỉ đồng.