Thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đứng trước án hủy niêm yết

Số liệu thống kê từ VSD, từ đầu năm tới nay có 18 cổ phiếu hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX để chuyển sang thị trường UPCom, trong đó không ít doanh nghiệp nhóm bất động sản, xây dựng.

Thời gian gần đây, sàn HNX và HOSE liên tiếp có thông báo đến nhiều doanh nghiệp về lưu ý về việc cổ phiếu của doanh nghiệp có khả năng hủy niêm yết, trong đó có không ít doanh nghiệp nhóm bất động sản - xây dựng.

Đơn cử, mới đây, tại ngày 6/9, HOSE đã có thông báo lưu ý về việc cổ phiếu UDC của CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC) có khả năng hủy niêm yết do lãi ròng của công ty liên tiếp âm từ năm 2020 đến nay.

Theo đó, trong báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2022 của UDEC lãi ròng của công ty là âm 16,4 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi ròng năm 2020 của công ty âm 9,99 tỷ đồng và lãi ròng năm 2021 là âm 23,4 tỷ đồng căn cứ theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020 và năm 2021.

Theo HOSE nếu BCTC kiểm toán năm 2022 của UDEC tiếp tục có lãi ròng là số âm thì cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ bị hủy niêm yết.

Ngày 31/8, HOSE đã có thông báo lưu ý về việc cổ phiếu HU1 của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 có khả năng hủy niêm yết, với lý do trong báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2022 của HUD1 mà HOSE nhận được vào ngày 30/8 vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ. 

Trước đó, các BCTC năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (năm 2020 - năm 2021) cũng có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán. Do đó, nếu BCTC hợp nhất năm 2022 của công ty tiếp tục có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, cổ phiếu HU1 sẽ chính thức rời sàn. 

Ngày 18/8, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (mã: HU3) cũng đã nhận được thông báo về khả năng hủy niêm yết với cùng lý do trên.

Một đơn vị khác là CTCP Đầu tư Nhà đất Việt (mã: PVL) cũng nhận được thông báo từ HNX về việc cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết do báo cáo tài chính trong 3 năm 2019, 2020, 2021 của doanh nghiệp này đều có ý kiến ngoại trừ.

Hồi đầu tháng 3, cổ phiếu VC9 của CTCP Xây dựng số 9 cũng từng đứng trước nguy cơ hủy niêm yết do doanh nghiệp này có tổng số lũy lỗ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2021 trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. 

Tuy nhiên doanh nghiệp đã khắc phục được nguyên nhân trên, do đó, tại ngày 12/5 cổ phiếu VC9 đã được đưa ra khỏi diện kiểm soát và chuyển sang diện bị cảnh báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty là số dương.

Trước đó, nhiều cổ phiếu đã "nhận án" hủy niêm yết có ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros, PTL của CTCP Victory Capital, RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia, C92 của CTCP Xây dựng và Đầu tư 492, VXB của CTCP Vật liệu xây dựng Bến Tre,... Một số cổ phiếu từng là tâm điểm của thị trường chứng khoán với các giai đoạn tăng nóng và đạt mức giá kỷ lục. 

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), từ đầu năm tới nay, có 18 doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX để chuyển sang thị trường UPCom. Đáng chú ý, có tới hơn 70 doanh nghiệp bị huỷ tư cách công ty đại chúng, rời khỏi thị trường chứng khoán. 

Theo TTXVN, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Chứng khoán Đông Á cho biết, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp bị hủy niêm yết có nhiều lý do; trong đó, chủ yếu là các trường hợp vi phạm quy định công bố thông tin, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất tại thời điểm xem xét…,  ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tự hủy niêm yết.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.