Tại chương trình 'Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019' tổ chức ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền, rất nhiều câu hỏi liên quan đến điều kiện để được xét tuyển vào các ngành học của trường được phụ huynh và thí sinh đặt ra để được các thầy cô giải đáp.
PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Ảnh: Đình Tuệ.
PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết: Mức điểm chuẩn hàng năm thường phụ thuộc vào tổng số điểm của 3 môn gồm Ngữ văn, Toán và Năng khiếu báo chí; hoặc Ngữ văn, Khoa học tự nhiên và Năng khiếu báo chí. Tổng điểm trung bình chung của 3 môn đó khoảng từ 7 điểm trở lên (tức tổng điểm từ 19 - 21) là có khả năng đỗ vào trường.
Qua theo dõi những năm gần đây, số điểm mà thí sinh thi tổ hợp môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí hoặc Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí là khá cao so với điểm môn Ngoại ngữ. Do đó, các em đạt điểm cao cao thì người khác cũng cao nên phải lựa chọn từ 2 - 3 tổ hợp môn để đăng kí thi chứ không nhất thiết chỉ đăng kí 1 tổ hợp. Các em có thể không đỗ nguyện vọng này thì có thể đỗ vào nguyện vọng khác.
Cũng theo thầy An, với điểm thi THPT quốc gia 2019 đạt khoảng 20 điểm, các thí sinh có thể đăng kí từ 3 - 4 lựa chọn. Giả sử, lựa chọn yêu thích nhất là Báo chí truyền thông. Nguyện vọng thứ hai có thể chọn vào học ngành Khoa học chính trị (Chính trị học, Chính sách công, Quản lí công).
Nếu thí sinh không đỗ Báo chí ngay mà chỉ cần đủ điểm đỗ vào bất cứ một ngành nào đó của học viện thì sau năm thứ nhất, các em có quyền chuyển sang học Báo chí và học song bằng. Tức, sau 5 năm các em ra trường có thể nhận được hai bằng tốt nghiệp cử nhân. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên nếu có nguyện vọng tha thiết muốn theo ngành Báo chí.
Năm 2018, Học viện Báo chí & Tuyên truyền được công nhận đạt chuẩn quốc gia về kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo. Nhà trường đã thay đổi toàn bộ chương trình, đổi mới theo hướng hiện đại.
"Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên có đủ đam mê, kiến thức vào học các ngành Báo chí truyền thông, Lí luận chính trị, Khoa học chính trị để có cơ hội được học tập và phát triển tại đây. Nếu có ý chí phấn đấu và rèn luyện tốt, các em sẽ trở thành những nhà báo giỏi, những nhà lãnh đạo tài năng trong tương lai", PGS.TS Lưu Văn An chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Ban Quản lí Đào tạo (Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Ảnh: Đình Tuệ.
Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Ban Quản lí Đào tạo (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), các thí sinh không nên quá đặt nặng vấn đề điểm chuẩn năm ngoái là bao nhiêu, tỉ lệ chọi là bao nhiêu.
"Điều này liên quan đến chất lượng, số lượng thí sinh đăng kí vào ngành đó thì sẽ quyết định điểm chuẩn, tỉ lệ chọi. Câu chuyện điểm chuẩn hay tỉ lệ chọi các năm trước có không nhiều giá trị tham khảo cho thí sinh lựa chọn ngành nào, tổ hợp nào để dự thi năm nay.
Nếu rất thích một ngành nào đó mà ngành đó có nhiều tổ hợp, các em nên đăng kí tất cả các tổ hợp đó vì điểm chuẩn của từng tổ hợp là khác nhau.
Giả sử, điểm theo tổ hợp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh của em rất cao và rất tự tin với tổ hợp đó. Nhưng cũng có thể có nhiều bạn khác cũng tự tin với tổ hợp đấy. Cho nên, lựa chọn thi thêm một tổ hợp khác ví dụ Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên thì em cũng có thể đỗ bằng chính tổ hợp dự phòng này chứ không phải tổ hợp mà em rất tự tin kia.
Hơn nữa, những em đăng kí tổ hợp Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên lại không nhiều nên em này có thể trúng tuyển.
Khi đăng kí xét tuyển, nguyện vọng nào mình thích nhất thì các em hãy đặt nó lên đầu tiên. Nguyên tắc xét tuyển là trúng ở nguyện vọng nào thì dừng luôn ở nguyện vọng đó", TS Thu Thủy thông tin thêm.
Giáo dục 07:02 | 28/05/2019
Giáo dục 08:08 | 26/05/2019
Giáo dục 19:15 | 08/05/2019
Giáo dục 06:31 | 30/04/2019
Giáo dục 06:30 | 13/04/2019
Giáo dục 19:47 | 12/04/2019
Giáo dục 10:51 | 12/04/2019
Giáo dục 10:09 | 10/04/2019