Thi THPT Quốc gia: Cần công khai đề thi và đáp án

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến không công bố đề và đáp án các môn thi trắc nghiệm. Chủ trương này của Bộ đang khiến dư luận hoài nghi về tính chính xác và khách quan của đề thi cũng như đáp án. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải công khai để tạo thành "kênh" xã hội giám sát.
thi thpt quoc gia can cong khai de thi va dap an
Năm 2017, đề thi, đáp án các môn trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia sẽ không được công bố. Ảnh: HH

Không công bố để công bằng cho thí sinh!

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đề thi, đáp án.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ở các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án. Hơn nữa, các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn được dùng cho kỳ thi các năm kế tiếp, nên không thể công bố để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

Tuy nhiên, việc Bộ không công bố đề thi và đáp án khiến dư luận hoài nghi về chất lượng cũng như số lượng ngân hàng đề thi của Bộ không đủ lớn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Từ tháng 10 - 12/2016, Bộ đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên toàn quốc; lựa chọn, huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên đại học (ĐH) có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật tham gia viết câu hỏi. Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

"Cho đến thời điểm này, đã thực hiện được 8 đợt biên tập, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia vào tháng 6/2017. Hiện nay, Bộ đã tổ chức biên soạn hơn 60.000 câu hỏi. Khâu tổ chức đề thi được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đề thi bảo đảm độ chính xác tuyệt đối”, ông Trinh khẳng định.

Cần công khai

Trái với quan điểm của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo các Sở GD&ĐT cho rằng, cần công khai đề thi và đáp án để thí sinh biết là mình làm đúng hay sai, sai như thế nào để rút kinh nghiệm, đồng thời cũng để xã hội giám sát độ chính xác của đề thi và đáp án.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Cái gì công khai cũng tốt, nhất là trong thi cử”.

“Từ xưa đến nay, trong công tác làm đề thi thi thoảng vẫn có trục trặc. Chính sự công khai đã tạo thành kênh giám sát tốt để điều chỉnh, sửa chữa kịp thời những sai sót, làm cho kỳ thi tốt hơn, xã hội tin tưởng hơn. Vì vậy, nếu không công bố đề thi và đáp án sẽ mất đi kênh giám sát từ xã hội, không thể phát hiện sai sót nếu có”, ông Khuyến phân tích.

Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, ông Lê Tuấn Tứ cho rằng: Bộ đã khẳng định đề thi bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, khoa học thì tại sao không công bố? Theo tôi, Bộ nên công bố cả đề thi và đáp án để xã hội được biết và học sinh cũng căn cứ vào để đối chiếu kết quả làm bài đúng sai thế nào. Với ngân hàng 45.000 câu hỏi, trong khi 1 tổ hợp mỗi môn thi chỉ có 40 câu, nếu những năm sau có lấy lại thì cũng khó có thể biết Bộ lấy câu hỏi nào.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Vĩnh cũng cho rằng, nên công bố công khai để dư luận được biết. "Thi trắc nghiệm với hàng trăm đề thi khác nhau, việc cung cấp tất cả sẽ khó, Bộ không làm được, nhưng Bộ nên cung cấp đề và đáp án mẫu để học sinh yên tâm, biết được mình làm đúng sai thế nào, còn giáo viên biết để điều chỉnh cách dạy ở những năm sau", ông Vĩnh nói.

Đề xuất thi 2,5 ngày

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, sáng thi Ngữ văn và Ngoại ngữ, chiều thi Toán; ngày thứ hai, sáng thi bài thi Khoa học Tự nhiên, chiều thi bài thi Khoa học Xã hội. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, lịch thi 2 ngày như vậy là không phù hợp. Trong 1 ngày mà thi tới 3 môn, đặc biệt là các môn tổ hợp là quá sức với học sinh, các em sẽ bị kiệt sức. Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất, Bộ nên điều chỉnh thi trong 2,5 ngày. Bộ nên cân đối thời gian phù hợp, ví dụ: Ngày đầu tiên sáng Ngữ văn, chiều bài thi Khoa học Tự nhiên; ngày thứ 2 sáng Toán, chiều thi Ngoại ngữ; buổi sáng ngày thứ 3 thi bài thi Khoa học Xã hội.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.