Thị trường cá ngừ lớn nhất thế giới điêu đứng do đại dịch

Nhu cầu về sản phẩm này trên thế giới giảm mạnh khiến nhiều nhà bán buôn ở khu chợ cá Toyosu sầm uất đang phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới.

Các nhà hàng và người bán buôn tại chợ cá lớn nhất thế giới Toyosu ở Tokyo (Nhật Bản) đang phải vật lộn với khó khăn khi thị trường cá ngừ Nhật Bản chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Chợ cá ngừ lớn nhất thế giới điêu đứng vì COVID-19 - Ảnh 1.

Chợ cá ngừ lớn nhất thế giới điêu đứng vì Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Các nhà hàng tìm cách xoay xở khi nhu cầu cá ngừ giảm mạnh

Theo Reuters, các doanh nghiệp đã hi vọng hoạt động kinh doanh của họ sẽ khởi sắc trở lại khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5. Tuy vậy, các sự kiện lớn như họp cổ đông hay tiệc cưới vẫn trì hoãn khi người dân có tâm lí cảnh giác với việc đi ăn nhà hàng.

Nhu cầu về các loại hải sản tươi sống, đặc biệt là cá ngừ vây xanh (hay còn gọi là "vua của sushi") đã giảm mạnh. Giá bán cá ngừ trong tháng 7 giảm 8,4% so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với mức giảm 1,5% của giá cá tươi nói chung, theo dữ liệu của chính phủ.

Ông Yasuyuki Shimahara, 47 tuổi, chủ của một nhà hàng chuyên về cá ngừ ở quận kinh doanh Kanda, Tokyo, cho biết doanh số của nhà hàng đã giảm tới 60% so với tháng 8 năm ngoái. 

Ông Shimahara bắt đầu chuyển sang bán cá ngừ hộp đông lạnh online vào tháng 7 để bù đắp những tổn thất trong kinh doanh khi lượng khách mua cá ngừ sụt giảm.

Nhờ đó đã có khoảng 200 đơn đặt hàng cá ngừ đông lạnh với giá 5.500 yên/hộp (~ 1,2 triệu đồng/hộp). Vào cuối tháng 9 tới, anh dự định sẽ bán loại đắt đỏ hơn với giá là 8.500 yên/hộp (~ 1,85 triệu đồng/hộp).

Bên cạnh những khách hàng hưởng ứng mua sản phẩm cá ngừ hộp đông lạnh online thì số khác lại không hài lòng vì phải mất vài tiếng đồng hồ mới có thể dã đông cá ngừ.

Ông Kimio Amano, 46 tuổi, một người bán buôn cá ngừ ở chợ Toyosu, cho biết mặc dù nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở các hộ gia đình có tăng nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho việc kinh doanh thua lỗ ở những nơi khác.

Ông Amano cho biết nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của ông ở các nhà hàng phục hồi ở mức khiêm tốn sau khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với những sự kiện lớn hay hoạt động ăn uống tại các quán ăn cao cấp, chẳng hạn như ở khu Ginza của Tokyo, thì nhu cầu tiêu thụ cá ngừ còn chậm phục hồi.

Điều này có nghĩa là ông Amano đã đánh mất nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Thông thường, đối với các sự kiện tiệc cưới hay đám tang, ông có thể bán 30 - 40 kg cá ngừ, còn các nhà hàng sushi thường chỉ đặt tối đa 10 kg, các hộ gia đình thì càng mua ít hơn nữa.

Ông Amano cũng là người bán cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh chất lượng cao. Ông tiết lộ hoạt động kinh doanh của cơ sở ông thấp hơn bình thường 30 - 40% trong tháng qua do nhu cầu tiêu thụ thấp từ các khách sạn và nhà hàng lớn tại sân bay Haneda, Tokyo. Tuy nhiên, gần đây các đơn đặt hàng nước ngoài, đặc biệt là từ Nga, đã quay trở lại mức trước đại dịch.

Chợ cá ngừ lớn nhất thế giới điêu đứng vì COVID-19 - Ảnh 2.

Yasuyuki Shimahara, 47 tuổi, chủ của một nhà hàng chuyên về cá ngừ ở quận kinh doanh Kanda, Tokyo, đem sách hướng dẫn dã đông cá ngừ cho vào các hộp để phục vụ khách hàng tốt nhất. (Ảnh: Reuters)

Khách tới nhà hàng chỉ để ăn ủng hộ, vẫn lo ngại Covid-19

Cá ngừ chất lượng cao nhập khẩu vào Nhật Bản tăng 10% trong năm 2019. Nước này cũng nhập nhiều hơn 13% cá ngừ vây xanh trong bối cảnh các doanh nghiệp chuẩn bị cho nhu cầu trong Thế vận hội Olympics 2020 (sự kiện hiện đã dời lịch tổ chức sang năm 2021).

Năm 2018, nhập khẩu cá ngừ toàn cầu trị giá 15,7 tỉ USD, trong khi Nhật Bản là nhà nhập khẩu cá ngừ lớn nhất trong năm đó.

Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp và nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản đã giảm 18% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản. Do những người dân vẫn còn cảnh giác với việc đi lại, triển vọng trên khó có thể sớm thay đổi.

Ông Toshio Katsukawa, Phó Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo, cho biết các nhà hàng sushi ở Tokyo, vốn có xu hướng phổ biến đối với những người tới từ các khu vực khác, đang ngày càng ít khách đến từ ngoại thành.

Cô Kana Kikuchi, làm việc tại một công ty bảo hiểm nhân thọ, cho biết người Nhật có xu hướng đi ăn sushi nhân dịp đặc biệt. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8 vừa rồi cô đưa con gái đến nhà hàng cá ngừ của ông Shimahara vào một buổi tối bình thường chỉ để ăn ủng hộ. 

Kikuchi cho biết cô thường không hay ăn cá ngừ ở nhà vì ngại phải rã đông sản phẩm. Để giúp những khách hàng như cô Kikuchi, ông Shimahara đã kèm thêm vào các hộp cá ngừ quyển sách hướng dẫn cách rã đông và phục vụ cá ngừ tốt nhất cho khách hàng.

chọn
Hà Nam chi hơn nghìn tỷ làm 5 km đường trục phía đông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hoàn thành năm 2027
Đường trục dọc phía đông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn từ sông Châu đến hết địa phận TP Phủ Lý) có chiều dài hơn 5 km, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.