Thị trường co-working hậu Covid-19: Giảm giá thuê và có nhiều cơ hội thoát khó

Với các thế mạnh chi phí thuê thấp và tiền đặt cọc ít, co-working (văn phòng chia sẻ) được nhận định có thể phục hồi và phát triển trong thời kì các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp qui mô, cắt giảm nhân sự.

Giảm giá thuê để hút khách

Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều thị trường của nhiều loại hình bất động sản. Tuy nhiên, trong quí I/2020, bên cạnh đất nền và chung cư giá bình dân, mảng văn phòng và cụ thể thị trường co-working là một trong những loại hình bất động sản ít phải ghi nhận những động thái tiêu cực từ đại dịch.

Đáng chú ý, nhìn về mặt tích cực, đại dịch Covid-19 là cơ hội cho các không gian làm việc linh hoạt cũng như các tòa nhà văn phòng khu vực ngoài trung tâm được quan tâm nhiều hơn. 

Thị trường co-working hậu Covid-19: Giảm giá thuê và có nhiều cơ hội thoát khó - Ảnh 1.

Ảnh: cogo.vn.

Theo nhận định của CBRE, các khách thuê sẽ dần nhận ra sự quan trọng của điều khoản thuê linh hoạt trước những thay đổi bất ngờ, khi mà họ buộc phải thu hẹp hoặc đóng mặt bằng thuê mà không phải chịu chi phí đầu tư quá lớn. 

Ngoài ra, khách thuê lớn cũng sẽ thấy việc tập trung nhân lực tại một văn phòng duy nhất có thể gây cản trở cho hoạt động công ty nếu như trong tình huống cần di tản ra khỏi văn phòng.

Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường co-working cũng đã có sự rộn ràng một cách nhất định khi chỉ thị cách li xã hội kết thúc. Một số công ty chuyên cung cấp mặt bằng cho thị trường co-working đã có những biện pháp kích cầu bằng cách tung ra các gói khuyến mãi.

Cụ thể, tại Hà Nội, đầu tháng 4/2020, Cogo đã quyết định tặng thêm ba tháng sử dụng miễn phí, áp dụng đối với tất cả khách hàng kí hợp đồng thuê từ tháng 4/2020. Còn Hanoi Office đã giảm giá thuê phòng hội thảo theo giờ xuống mức chỉ còn từ 200.000 đồng/h.

Tại TP HCM, trong tháng 5/2020, Vesa cũng tung ra gói khuyến mãi "freedesk" chỉ còn 1 triệu đồng/tháng.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu của Savills Hà Nội cho biết: "Ứng phó với dịch bệnh, hiện có những văn phòng chia sẻ đã giảm giá thuê các dịch vụ 20 - 30% để giữ chân khách hàng, cá biệt những nơi lên tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu.

Đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này cũng tích cực hoạt động trên môi trường trực tuyến, tuân theo các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch. Hiện nay, cũng có tình huống là một số nhà phát triển đang tính đến việc cơ cấu lại hệ thống các địa điểm đang mở tùy thuộc hiệu quả hoạt động của từng vị trí".

Thị trường co-working hậu Covid-19: Giảm giá thuê và có nhiều cơ hội thoát khó - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu của Savills Hà Nội. (Ảnh: Savills Việt Nam).

Các xu hướng mới 

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định: "Sau đại dịch Covid-19, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. 

Khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố. 

Thêm vào đó các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn về yếu tố sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn các mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây. 

Các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh (LEED-certified) hội tụ đủ các yếu tố về môi trường, không gian thông thoáng đảm bảo không khí và ánh sáng đến nơi làm việc, tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng nhiều hơn trong tương lai".

Còn vị Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu của Savills Hà Nội thì cho rằng trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt nhưng Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, văn phòng chia sẻ vẫn có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh chịu sự sụt giảm về doanh thu. 

Khác với văn phòng truyền thống khi loại hình này yêu cầu sự đầu tư ban đầu lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, văn phòng chia sẻ nổi lên như là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đưa ra lúc này, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ hay start up khởi nghiệp. 

Với thế mạnh là chi phí thuê thấp và tiền đặt cọc ít cũng như thời gian thuê không quá dài nhưng được đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí. 

Những yếu tố đó sẽ giúp cho văn phòng chia sẻ có thể phục hồi và phát triển trong thời các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp qui mô, cắt giảm nhân sự cũng như phải tách nhóm nhân viên khị dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt.

Tuy nhiên, khi đánh giá về các biện pháp thích ứng sau đại dịch, bà Hằng khẳng định: "Nhóm doanh nghiệp kinh doanh văn phòng chia sẻ cần phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. 

Họ cũng cần chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch".

"Sự ưa chuộng đối với không gian linh hoạt sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc văn phòng chia sẻ.

Đến năm 2024, thế hệ millennials (những người trong độ tuổi 18 - 35) sẽ chiếm 75% lực lượng lao động. Nhóm người này quan tâm đến các văn phòng khác nhau. Các lựa chọn làm việc từ nhà, cách thiết kế văn phòng và các tiện ích bổ sung là những yếu tố thu hút", Savills Việt Nam nhận định. 

Trong một báo cáo mới đây của CBRE, tính đến cuối thời điểm quí I/2020, thị trường văn phòng TP HCM có thêm một nguồn cung hạng B mới là tòa nhà Friendship Tower tọa lạc tại đường Lê Duẩn, Quận 1, có tổng diện tích cho thuê là 13.700 m2. Với tòa nhà mới này, tổng nguồn cung thị trường văn phòng TP HCM đạt 1.370.814 m2 . Tòa nhà Friendship Tower có mức giá chào thuê dao động từ 45 – 47 USD/m2/tháng và đã được lấp đầy 50% sau hơn 9 tháng chào thuê.

Trong quí I/2020, mức giá thuê trung bình văn phòng hạng A ghi nhận 44,6 USD/m2/tháng, giảm 1,2% so với quí trước và giảm 3,6% so với cùng kì năm trước. Việc giảm giá thuê này phần lớn là do ở một vài tòa nhà có khách thuê chuyển đi và chủ nhà giảm giá nhằm thu hút khách thuê mới lấp đầy diện tích trống.

Vì có thêm nguồn cung mới ở khu vực trung tâm và giá thuê cao hơn so với mặt bằng chung của phân khúc hạng B nên giá thuê trung bình của phân khúc này tăng lên 1,8% so với quí IV/2019 và tăng lên 7,4% so với cùng kì năm trước, tương đương 25,2 USD/m2/tháng.

Về tỉ lệ trống, trong quí vừa qua văn phòng hạng A ghi nhận 10,8%, tăng nhẹ 1,7 điểm phần trăm so với quí trước và 8,2 điểm phần trăm so với quí I/2019 do có vài khách thuê lớn chuyển ra khỏi một số tòa nhà hạng A vì chất lượng quản vận hành đi xuống. Hạng B cũng ghi nhận tỉ lệ trống ở mức 5,6%, tăng nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với quí IV/2019 và 2,1 điểm phần trăm so với cùng năm trước do có nguồn cung mới.

Ngoài ra, một số giao dịch đã bị tạm hoãn hoặc hủy vào cuối quí I/2020 do các khách thuê là công ty nước ngoài gặp khó khăn trong việc đi xem mặt bằng. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thị trường khó hấp thụ được diện tích mới, đặc biệt là trong năm nay thị trường văn phòng TP HCM dự kiến sẽ có thêm hơn 70.000 m2. Do đó, tỉ lệ trống của thị trường vẫn sẽ tăng cho dù dịch bệnh có kết thúc sớm hay muộn.

Về tốc độ tăng giá thuê, trong quí I/2020, thị trường chưa nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch lên giá thuê.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.