Báo ANTĐ ngày 24-1 thông tin vụ việc hơn 6.000 sản phẩm Pediasure có dấu hiệu bị làm giả được bày bán tại chợ dược phẩm Hapulico trên đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; và bị lực lượng QLTT thu giữ.
Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ số lượng lớn các sản phẩm gắn nhãn mác Pediasure nghi giả mạo |
Trao đổi với PV Báo ANTĐ ngày 24-1, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, sau 5 ngày phát hiện vụ việc, đại diện công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp (địa chỉ đăng ký tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là đại diện sản xuất số hàng này vẫn chưa đến trụ sở đội để giải quyết vụ việc.
Hơn 6.000 sản phẩm nghi vấn được thu giữ trong 3 quầy hàng tại chợ thuốc Hapulico bao gồm các sản phẩm soda không rõ nguồn gốc và 5 loại sản phẩm mang nhãn hiệu Pediasure của Abbott.
Các sản phẩm này trên bao bì hộp có ghi tiêu chuẩn và số xác nhận công bố |
Đáng chú ý, ông Hoàng Đại Nghĩa cho biết, tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty này xuất trình 3 giấy “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”, thể hiện việc Cục An toàn thực phẩm cấp số 23651/2015/TTP-XNCB ngày 15-9-2015 cho sản phẩm Pediasure calcium nano; và xác nhận số 23112/2015/ATTP-XNCB cho sản phẩm Pediasure mát gan giải độc, xác nhận số 23518/2015/ATTP-XNCB cho sản phẩm Pediasure ăn ngon ngủ tốt.
Các sản phẩm giả Pediasure dành cho trẻ em |
Trong khi đó, theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 6, các sản phẩm này đã được mang đi kiểm định tại Viện khoa học sở hữu trí tuệ; kết quả giám định xác định “Dấu hiệu “Pediasure” gắn trên vỏ hộp thực phẩm bổ sung dành cho trẻ em là yếu tố xâm phạm bản quyền (Quy định tại điều 11, ĐKNH số 245686 của Abbott Laboratories”.
Tuy nhiên, các sản phẩm này sau khi bị lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ, thì hiện trên thị trường và trên một số trang web bán hàng vẫn công khai chào bán.
Xác nhận của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế |
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa: “Việc thu giữ hơn 6.000 sản phẩm giả Pediasure chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Công ty này đã từng vi phạm làm giả các sản phẩm của thương hiệu lớn, nhiều lần đổi tên đăng ký kinh doanh công ty. Số lượng hàng hóa còn trôi nổi ở thị trường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng”.
Vấn đề đặt ra, tại sao công ty này lại có các chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong khi các sản phẩm này có dấu hiệu giả?
Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Lừa bán sữa giá rẻ, cô giáo mầm non 'kiếm' 13 tỉ đồng
Sau khi mở lớp mầm non tư thục nhưng không có lãi, nữ chủ trường mầm non tư thục quyết định chuyển hướng kinh doanh ... |