UBND TP Hà Nội vừa qua đã ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận.
Theo đó, huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm được giao phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan hoàn thiện lập hồ sơ Đề án và làm việc với các Bộ, ngành thẩm định, phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức chủ động phối hợp với các sở, ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ việc đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để trình Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV/2025.
Ngày 13/8, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương để nghe báo cáo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đối với công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp còn lại tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 30/8.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km). Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 - 6 làn xe, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng.
Sáng 12/8, tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu – Cao Lãnh.
Dự án qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang được giao làm chủ đầu tư.
Toàn tuyến có tổng chiều dài toàn tuyến trên 11 km; trong đó, đoạn qua Đồng Tháp 3,8 km và qua Tiền Giang 7,63 km.