Hương là một từ được Việt hóa đa nghĩa, nó bao gồm cả âm Hán, nghĩa Hán và âm Việt nghĩa Việt. Nhưng phần lớn mọi người đều hiểu theo hai nghĩa thông dụng là "quê cha đất tổ" và "nơi thờ cúng". Cả hai nghĩa này đều gợi lên ý niệm về cội nguồn.
Hương vốn dĩ là một từ chỉ đơn vị hành chính nhỏ nhất của người Hán (thực chất phải nói là người Hoa). Nó đơn giản chính là làng trong ngôn ngữ Việt. Nhưng do tính đồng âm với nhiều nghĩa khác nên các người Việt cổ chọn "hương" như một mỹ từ để sử dụng. Từ "làng" mộc mạc và rất thân thiết, tuy nhiên ý nghĩa rất hẹp. Bởi vậy, xưa nay chúng ta thường vận dụng "hương" để ghép vào các từ có ý nghĩa thơm thảo, trang nghiêm khi nhắc đến cội nguồn.
(Ảnh: VHTTCS) |
Nói loanh quanh, cuối cùng cũng chỉ muốn minh định lại ý nghĩa của hành hương là một chuyến về nguồn mà thôi.
Trong tôn giáo hay trong đời thường, hành hương là một khái niệm rất đáng quý. Đó là một hành trình gian khổ để tìm về nơi được cho là gốc tích của bản ngã. Nó không đơn thuần là tìm đến một chốn linh thiêng để "lấy thành tích" với đấng tối thượng nào đó. Bản chất chính là tìm về với chính mình.
Người xưa, khi lưu lạc mưu sinh thì coi như mất quê mất quán. Điều kiện vật chất và cả những cách trở về địa lý khiến con đường về làng cũ trở nên quá xa xôi. Vậy nên, để con cái nhận được mặt họ hàng, để bản thân tìm lại những kỉ niệm xưa cũ, người ta phải chuẩn bị cho một hành trình rất công phu. Đôi khi, cả đời mới có được một chuyến hành hương như thế. Thật đáng quý.
Với tôn giáo thì những vùng đất Thánh chính là nguồn cội của mỗi con người. Đó là chốn được cho là khởi phát của tâm linh chúng ta. Vậy nên, mọi người tìm về với Thánh địa chính là tìm về với cái ta của mình. Phủ phục dưới chân Thánh là dâng hiến cái ta, cái con cả bằng thân xác và tâm hồn.
Khác với việc về nguồn trong thế tục, việc hành hương của đạo mang một nghi thức riêng. Người hành hương coi con đường đi vào chốn trọng địa bổn giáo như một quá trình gột rửa. Ngoài lòng thành kính luôn âm thầm cháy trong tim, người hành hương còn muốn thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể. Họ coi quãng đường đến với chân Thánh là một quá trình thử thách. Qua đó, gột rửa đi hết uế tạp nhân thân và tạp niệm tâm hồn. Vậy nên, với mọi người có Đạo, hành hương phải là một con đường gian khổ nhằm thể hiện đức tin. Nó như một lời phát nguyện khi ta khởi hành và cũng là đậu quả khi ta đến đích. Đi hành hương không phải là du lịch.
Mấy hôm nay có quá nhiều bài báo nhắc tới những trạm "BOT" thu phí ở các điểm được cho là Thánh địa, Phật địa... Câu chuyện gây xôn xao dư luận bởi hai quan niệm: Nơi cửa Phật có nên thu tiền? Tại sao lại thu phí tín hữu “hành hương” đến đất Phật?
Phải nói rõ rằng "kỹ nghệ kinh doanh du lịch tâm linh" giờ đã trở thành một ngành công nghiệp. Đến cơ sở tôn giáo nào cũng dễ dàng nhận thấy dấu vết của những nhà kinh doanh, những nhà đầu tư và cả những kẻ trục lợi. Thực chất đây không phải là điều gì mới mẻ. Việc ăn mày cửa Thánh vốn dĩ đã có từ lâu lắm rồi. Tính ra có lẽ còn là một trong những nghề cổ xưa. Vậy tại sao cứ phải gay gắt với nhau để rồi đưa ra những vấn đề to tát "chấn động dư luận".
(Ảnh: Lao động) |
Bản chất của trào lưu đầu tư kinh doanh ở các điểm hành hương hoàn toàn nằm trong quy luật kinh tế căn bản. Đó là, có cầu thì mới có cung.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang lẫn lộn khái niệm hành hương và du lịch. Dân chúng dùng dịch vụ du lịch để gọi là hành hương. Đi du hí đầu năm, đi xin lộc xin tài mà cứ nghĩ mình đang thành tâm đi tìm bản ngã. Khi khái niệm bị đánh tráo thì hành vi cũng không còn chính đáng. Và đương nhiên là ý nghĩa cũng sai lệch hoàn toàn.
Hãy tự hỏi, khi xưa thánh địa hoang sơ đường đi hiểm trở thì mấy ai chịu hành hương? Những người chân tâm thì bất kể khó khăn gì cũng dám vượt qua để tìm về cội tín của mình. Nhưng đại đa số quần chúng thì chỉ là đi xem hội chứ đâu phải hành hương. Thậm chí có người còn bảo nhau, năm sau hành hương chỗ khác cho nó đỡ chán. Vậy thì thành tâm cái gì? Tín ngưỡng ở đâu?
Chùa Đồng Yên Tử (Ảnh: Lao động) |
Người tự cho mình là có Đạo mà còn không có tâm trong sáng, người có Tín mà lại nhận thức không khách quan thì lấy gì để trách những người kinh doanh? Đạo lý là gì, đạo lý ra sao còn không biết thì hỏi đạo lý ở đâu để làm chi? Thấy đạo lý mà có dùng đạo lý để đối đãi với nhau không mà nhọc sức đi tìm?
Vì thế, nếu thực sự muốn đấu tranh thì hãy yêu cầu các địa phương tổ chức một con đường như nguyên khởi dẫn vào Thánh địa. Khi đó hành hương mới đúng ý nghĩa của nó. Còn hệ thống dịch vụ du lịch là dành cho du khách, tín hữu đừng sử dụng nữa. Nếu dùng thì đừng oán thán khiến cho khẩu nghiệp nặng nề, tâm hồn u uẩn. Đem cái thị phi thiên hạ vào chốn thiêng chẳng hóa tự mình làm cho Thánh địa uế tạp sao?