Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần sớm có nhà máy sản xuất vaccine quy mô công nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tự chủ sản xuất vắc xin trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Chiều ngày (24/11), tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về việc tự chủ sản xuất vắc xin trong nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có khả năng sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người. Đến nay, đã sản xuất được 11/12 loại vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

thu tuong nguyen xuan phuc can som co nha may san xuat vaccine quy mo cong nghiep
(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Việt Nam mới sản xuất được các vắc xin đơn lẻ, một số loại vắc xin là thành phần cho việc phối trộn vắc xin đa giá 4, 5 hoặc 6 trong 1.

Trong khi đó, đến năm 2019, Việt Nam sẽ không còn được nhận viện trợ của GAVI (Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng) về vắc xin phối hợp 5 trong 1 trong Chương trình TCMR nên việc sản xuất vắc xin trong nước để phục vụ Chương trình TCMR là hết sức cần thiết và cấp bách.

Để bảo đảm cung ứng vắc xin phối hợp cho Chương trình TCMR thay thế cho vắc xin Quinvaxem (theo cam kết với GAVI) cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin phối hợp hiện nay trên thị trường tiêm chủng dịch vụ, vấn đề sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn cung được đặt ra, nhất là việc bảo đảm sản xuất và cung ứng đủ vắc xin phối hợp 5 trong 1 với công nghệ vô bào.

Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ các yếu tố, biện pháp để tiến tới tự chủ sản xuất trong nước như vấn đề công nghệ, nguồn vốn, thị trường, hiệu quả kinh tế. Các ý kiến cho rằng, phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, sản xuất trong nước, làm sao có nhà máy sản xuất quy mô công nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Để làm điều đó thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về cơ chế, chính sách, chứ không chỉ về nguồn vốn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, việc tự chủ sản xuất vắc xin trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và đây cũng là vấn đề khó, nhất là việc sản xuất vắc xin phối hợp và sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Giải bài toán khó này trước hết cần phải có một đơn vị chủ trì, cơ quan quản lý để chịu trách nhiệm trước Nhà nước, bên cạnh đó là xác định các đơn vị phối hợp.

Đơn vị này phải là nơi tập hợp nhiều cán bộ giỏi, có kinh nghiệm. Trước hết, tập trung vào quá trình nghiên cứu, làm chủ về công nghệ sản xuất. Mục tiêu là làm sao sớm có nhà máy hiện đại, sản xuất vắc xin với chất lượng tốt, có hiệu quả cả về mặt xã hội và kinh tế với tinh thần theo cơ chế thị trường, không bao cấp.

Thủ tướng đồng ý Nhà nước sẽ đầu tư để có công nghệ lõi sản xuất vắc xin, đồng thời kêu gọi xã hội hóa mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cùng với việc nghiên cứu này, phải có chính sách đồng bộ, trong đó có chính sách xuất nhập khẩu vắc xin trên cơ sở phù hợp với quy định quốc tế và điều kiện của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.