Thủ tướng: Quy hoạch tốt mới có dự án, nhà đầu tư tốt

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, qua đó mới có nhà đầu tư tốt.

Sáng 2/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch.

Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. 

Quy hoạch tốt mới có nhà đầu tư tốt, nghiên cứu phân vùng để tìm động lực phát triển mới  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. 

Đồng thời, ông cũng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022.

Theo ông, quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến mà bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết; đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Để có quy hoạch tốt, Thủ tướng lưu ý lựa chọn nhà thầu tư vấn tốt cả trong và ngoài nước, đồng thời lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học trong thẩm định.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, đơn cử khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, người dân cả nước được hưởng lợi từ sự phát triển.

Cùng với đó, tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Thủ tướng đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia, đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tỉnh Bắc Giang...

Chính phủ đang tiếp tục xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình các cấp có thẩm quyền; các bộ, ngành xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt.

Dự kiến, Bộ KH&ĐT báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5.

Sau khi nhận phản hồi từ các cấp, Bộ KH&ĐT sẽ khẩn trương phối hợp ngay với các bộ, ngành để hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7, trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10).

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.