Thực hư chuyện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ nếu học tiếng Anh khi chưa thành thạo tiếng Việt

Trẻ con Việt Nam đã quá khổ vì bị thí nghiệm bởi rất nhiều chương trình chậm tiến của người lớn. Đừng làm con em mình phải khổ thêm nữa.
 

Làm trẻ em Việt Nam khổ thật

Những ngày qua, mạng xã hội đang chia sẻ một video phóng sự về hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Phóng sự đưa ra một số trường hợp trẻ nhỏ dưới ba tuổi gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, thậm chí sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt.

Chỉ sau hai ngày đăng tải, phóng sự đã nhận được gần 35.000 lượt tương tác với hơn 6.000 bình luận khác nhau.

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet
Nên hay không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh khi tiếng Việt chưa thành thạo? (Ảnh minh họa: Parenting).

Video trên nêu được tác hại của việc lạm dụng Youtube trong dạy con, nhưng đáng tiếc, khi xem video này, rất nhiều người lớn chúng ta kêu gào: không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh khi tiếng Việt chưa thành thạo, nếu không sẽ khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ.

Là người có con nhỏ, đã từng du học và làm về giáo dục nhiều năm, thú thật tôi quá buồn khi đọc những bàn luận, chia sẻ đầy sợ hãi đó của các bố mẹ. Chẳng có bố mẹ nào không lo lắng cho con, nhưng hãy lo bằng sự hiểu biết, chứ đừng lo theo phong trào. Chúng ta đừng ứng xử với chuyện học hành của con cái giống như ứng xử với câu chuyện bà lão nghèo bán chó: Hôm trước dễ dãi khóc thương, hôm sau lại hăng hái vạch chân tướng lừa đảo.

Khi cộng đồng mạng hăng hái tung hô một đứa trẻ, mới mấy tuổi mà đã giỏi cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi lại thấy rất khá bình thường. Nếu có khen thì nên khen tâm huyết, vai trò tuyệt vời của các ông bố, bà mẹ, còn thực sự với một bạn nhỏ bình thường thì những khả năng này đều không có gì cao siêu cả.

Thực tế trên thế giới ở một môi trường đa văn hoá, chuyện này chẳng có gì lạ. Ví dụ bạn tôi, người Việt ở Singapore, cưới chồng người Indonesia, và thế là con bạn đấy vừa nói được tiếng Anh, tiếng Trung (ngôn ngữ ở trường và cộng đồng) vừa nói được tiếng Việt (ngôn ngữ của mẹ) và tiếng Indo (ngôn ngữ của bố). Bọn trẻ nói những tiếng này tự nhiên như hơi thở.

Chúng ta vẫn thấy những người Việt rất giỏi, vì sống thời gian dài ở nước ngoài, vẫn thường sử dụng xen lẫn tiếng Anh trong những câu nói. Họ không hề rối loạn ngôn ngữ. Họ dùng tiếng Anh theo thói quen và sử dụng những từ tiếng Anh vì nó có thể diễn đạt ngắn gọn hơn, hoặc đầy đủ hơn khi dịch sang tiếng Việt.

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet
(Ảnh minh họa: Parenting)

Những nhầm tưởng cơ bản của người lớn

Nhầm tưởng 1: Trẻ bị rối loạn khi sử dụng ngôn ngữ do trẻ sử dụng vài ngôn ngữ trong cùng một câu nói.

Một số trẻ học song ngữ có xu hướng kết hợp hai loại ngôn ngữ vào một câu nói trong giao tiếp hàng ngày (Ví dụ: cái áo màu red, đây là cái cup). Đấy gọi là hiện tượng “Code Switching”. Trước đây khi nhìn vào hiện tượng này mọi người sẽ cho rằng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, rằng đấy là một biểu hiện của chậm phát triển (Espinosa, 2010; Genesee et al., 2004; Hakuta, 1986) và thậm chị có nơi còn trừng phạt trẻ để ngăn chuyện đấy xảy ra.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây được đăng trên The Pennsylvania State University lại cho rằng “Code Switching” là một phản ứng rất bình thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ của một trẻ học song ngữ. Thậm chí, nó phản ánh năng lực nhận thức và giao tiếp của người học và rằng não bộ của trẻ hoàn toàn phân biệt rất tốt các ngôn ngữ mà trẻ được tiếp xúc (Genesee et al., 2004).

Trong khi nói, phản xạ của trẻ sẽ sử dụng từ vựng nào trẻ được tiếp xúc nhiều hơn. Chính vì vậy, trong trường hợp trẻ tiếp xúc quá nhiều tiếng Anh mà không có cơ hội thực hành và sử dụng tiếng Việt, trẻ sẽ nói tiếng Anh nhiều hơn. Hoặc nếu trẻ chỉ xem và học tiếng Anh thụ động không có sự chỉ dẫn của người lớn và những tương tác thực tế, thì trẻ cũng gặp khó khăn khi nói tiếng Anh và trộn lẫn các từ trẻ biết mà không hề hiểu nghĩa của từ.

Việc can thiệp và cố gắng xóa bỏ hiện tượng không những không giúp trẻ, trái lại còn vô tình giới hạn khả năng phát triển ngôn ngữ khiến trẻ ngại giao tiếp.

Hiện tượng “Code Switching” như vậy hoàn toàn không được coi là dấu hiệu bệnh lí để khẳng định trẻ bị “rối loạn ngôn ngữ” như nhầm tưởng của một số phụ huynh.

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet
(Ảnh minh họa: TheIndusparent)

Nhầm tưởng 2: Trẻ học tiếng Anh sớm sẽ chậm nói tiếng Việt

Thứ nhất, chưa có một nghiên cứu khoa học nào nói rằng việc chuyển từ học hai ngôn ngữ sang học một ngôn ngữ sẽ giảm các nguy cơ của việc chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Thêm nữa cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào nói rằng việc cho bé học hai ngôn ngữ thì tăng nguy cơ của việc chậm phát triển.

Thực tế các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ngay cả đối với các bạn nhỏ bị bệnh Down hay đang gặp rối loạn ngôn ngữ thì các bạn ấy hoàn toàn có thể học thành thạo hai ngôn ngữ (Kay-Raining Bird et al., 2005). Có thể các bạn này sẽ học chậm hơn và khó lòng đạt đến mức độ thành thạo nếu so sánh với các bạn bình thường khác nhưng không hề khác so với các bạn cũng bị bệnh và chỉ học một ngôn ngữ trong cùng một điều kiện.

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không phụ thuộc vào số lượng ngôn ngữ mà trẻ được tiếp xúc (Cruz-Ferreira, 2011; Kohnert, 2007).

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet
(Ảnh minh họa: Parenting)

Học ngôn ngữ càng sớm càng tốt

Theo Giáo sư Patricia Kuhl, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu não bộ trẻ em thuộc Đại học Washington, Mỹ cho biết, khoa học đã chứng minh não bộ của trẻ giống như một cỗ máy học tập hoàn hảo. Não bộ của trẻ giúp trẻ học ngoại ngữ tốt nhất ở thời điểm từ 0 - 3 tuổi. Có thể bạn không tin, nhưng ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có năng lực nhận biết và phân biệt âm của tất cả ngôn ngữ trên thế giới. Và năng lực này ngày một giảm dần theo thời gian.

Chính vì vậy, việc trẻ học hai hay nhiều ngôn ngữ cùng lúc ngay từ khi còn nhỏ hoàn toàn không đem lại tác động tiêu cực như nhiều phụ huynh lầm tưởng. Hấp thu và lĩnh hội nhiều ngôn ngữ cùng lúc là quá trình tuyệt diệu nhất mà bộ não con người có thể làm được, và trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi là những người làm việc này tốt nhất. Việc học ngoại ngữ nên bắt đầu cho trẻ thật sớm.

Phương pháp hiệu quả giúp trẻ học tiếng Anh từ sớm

1. Bố mẹ chứ không phải Youtube mới là người thầy tốt nhất của trẻ

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet
(Ảnh minh họa: Sina)

Dù biết hay không biết tiếng Anh, bố mẹ mới chính là người thầy đầu tiên và tốt nhất để cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh cũng như dạy trẻ mọi kiến thức và kỹ năng khác trong cuộc sống. Bố mẹ là người chọn ra phương pháp và công cụ cho trẻ. Quan trọng hơn, sự đồng hành, kiểm soát, hỗ trợ và động viên từ cha mẹ mới đem lại hiệu quả cao nhất.

Theo nghiên cứu tổng hợp từ Baby Center, trang thông tin làm cha mẹ uy tín nhất thế giới, trẻ dưới ba tuổi gần như không thể học được ngoại ngữ chỉ bằng việc xem Youtube. Thậm chí, nghiên cứu còn chỉ ra trẻ 4 tuổi càng xem TV hoặc Youtube nhiều, năng lực nói của trẻ càng giảm do hoạt động thụ động này cản trở thời gian và không gian cho trẻ được trò chuyện với những người xung quanh.

Tuy nhiên, bài nghiên cứu cũng khẳng định, trẻ nhỏ dưới ba tuổi vẫn có thể học ngoại ngữ khi xem TV, Youtube hoặc các chương trình giáo dục uy tín trên các thiết bị di động, nhưng phải được xem cùng bố mẹ và được bố mẹ liên tục lặp lại và củng cố ngôn ngữ trong cuộc sống thực tế.

Trẻ nhỏ học tiếng Việt, tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào đều cần học thông qua sự tương tác với những người xung quanh, được nghe âm thanh, ngữ điệu tương tác và thực hành liên tục. Việc cho trẻ xem Youtube quá nhiều không những không khiến trẻ phát triển ngôn ngữ, mà ngược lại cách học thụ động này tước đi cơ hội trẻ thể hiện, thực hành để làm chủ ngôn ngữ đó.

2. Đọc sách

Bố mẹ có thể đọc sách tiếng Anh hoặc cho trẻ nghe truyện tiếng Anh ngay khi trẻ mới ra đời. Sách luôn là công cụ hiệu quả nhất để trẻ phát triển vốn từ vựng, thẩm âm cũng như hấp thụ mọi ngôn ngữ một cách đầy tự nhiên và sinh động

3. Âm nhạc

Nghe nhạc và hát là phương thức tuyệt vời để giới thiệu và củng cố tiếng Anh cho trẻ. Gần như không có đứa trẻ nào từ chối âm nhạc. Âm nhạc sẽ giúp trẻ cảm thụ âm thanh tốt nhất, ghi nhớ từ vựng dễ dàng nhất.

4. Các chương trình giáo dục uy tín

Trẻ dưới ba tuổi hoàn toàn có thể học tiếng Anh bằng cách sử dụng các chương trình giáo dục trên các ứng dụng di động. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chương trình uy tín cho trẻ dưới ba tuổi để bố mẹ lựa chọn và yên tâm về chất lượng như Monkey Junior, Monkey Stories, Razkid, Reading eggs… Việc học của trẻ phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ chặt chẽ của bố mẹ và cần kết hợp với việc thực hành tương tác trong cuộc sống hàng ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Trẻ nhỏ có thể học tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhưng bố mẹ chính là người thầy đầu tiên và cũng là người duy nhất có thể giúp trẻ được tiếp cận và học tiếng Anh đúng phương pháp. Mọi công cụ, nếu lạm dụng, không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ra tác hại ko mong muốn. “Cửa sổ cơ hội” để trẻ học ngoại ngữ chỉ đến một lần duy nhất trong cuộc đời mỗi người. Bố mẹ hãy là những người tỉnh táo nhất để giúp trẻ tận dụng cơ hội này và chiếm lĩnh tiếng Anh cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào khác.

Vì thế, các bố mẹ hãy làm bạn với con nhiều hơn YouTube, nhưng đừng chặn mất con đường tiến vào thế giới rộng lớn này bằng ngoại ngữ, của con mình. Chỉ có tiếp xúc với ngoại ngữ sớm, thì tiếng Anh mới trở thành ngôn ngữ thứ 2 - một thứ ngôn ngữ tự nhiên như hơi thở, như tiếng mẹ đẻ.

Trẻ con Việt Nam đã quá khổ vì bị thí nghiệm bởi rất nhiều chương trình chậm tiến của người lớn. Đừng làm con em mình phải khổ thêm nữa.

Hãy yêu con và lo cho con, không chỉ bằng trái tim, mà còn bằng cái đầu tỉnh táo của mình.

Bài viết có tham khảo từ những tài liệu sau:

Bird, E. K. R., Cleave, P., Trudeau, N., Thordardottir, E., Sutton, A., & Thorpe, A. (2005). The language abilities of bilingual children with Down syndrome. American Journal of Speech-Language Pathology, 14(3), 187-199.

Cruz-Ferreira, M. (2011, August 02). Recommending Monolingualism to Multilinguals – Why, and Why Not [Web log post]. Retrieved from http://blog.asha.org/…/recommending-monolingualism-to-mult…/

Espinosa, L. (2010). Getting it RIGHT for young children from diverse backgrounds: Applying research to improve practice. New York: Pearson

Genesee, F., Paradis, J., & Crago, M. B. (2004). Dual language development and disorders: A handbook on bilingualism and second language learning. Baltimore, MD: Paul H Brooks Publishing.

Hakuta, K. (1986). Mirror of language: The debate on bilingualism. New York: Basic Books.

Kohnert, K. (2007). Evidence-based practice and treatment of speech sound disorders in bilingual children. Perspectives on Communication Disorders and Sciences in Culturally and Linguistically Diverse Populations, 14(2), 17-20.

Öztürk, Ö. (2016). Bilingualism and Speech & Language Disorders. Retrieved from http://www.meits.org/…/bilingualism-and-speech-and-language…

XEM THÊM

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet 'Đây là nhà của bố và con đang ở nhờ mà thôi'

Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi ...

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet Con yêu sớm, cấm đoán hay gật đầu?

Cha mẹ đừng dại gì va đầu vào đá. Thứ đá đó có thể biến cô con gái ngoan hiền, dễ thương của các cha ...

thuc hu chuyen tre bi roi loan ngon ngu neu hoc tieng anh khi chua thanh thao tieng viet 10 cách phạt con sáng tạo dành cho phụ huynh thông minh

Nếu hai đứa trẻ thường xuyên cãi cọ, bạn hãy cho chúng chui vào một chiếc áo phông lớn, khiến chúng phải làm mọi việc ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.