Theo đó, Ban Quản lý dự án 6 cho hay, đối với phạm vi phần 70% đã đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 2003 - 2006, theo Thông báo số 1918/TB-VPUBND ngày 15/3/2023, UBND tỉnh đã yêu cầu các hộ dân, đơn vị liên quan tự di dời, hoàn trả mặt bằng trước ngày 30/5/2023.
Đến nay, cơ bản các hộ dân đã thực hiện tự di dời trả lại mặt bằng để nhà thầu thi công lắp đặt được 8/10 km (cả 2 bên trái và phải tuyến). Còn lại chưa di dời do có sự liên kết giữa công trình trong phạm vi đã đền bù và sẽ đền bù mới. Phạm vi này liên quan đến các phường Quỳnh Lâm (dài 200 m), phường Dân chủ (dài 1.700 m), phường Thống Nhất (dài 250 m).
Về di dời công trình công cộng gồm: đường điện sinh hoạt (0,4 kV), điện kinh doanh của Công ty Việt - Hàn, đường cấp nước, đường viễn thông các loại. Theo chỉ dạo của UBND tỉnh Hòa Bình phải di dời các công trình này trước 30/5/2023 nhưng đến nay mới cơ bản di chuyển được đường viễn thông. Vì vậy nhà thầu không thể thi công đào, đắp nền đường.
Đối với phạm vi đất (30%) cần giải phóng mặt bằng bổ sung, văn bản Ban Quản lý dự án 6 cho hay, ngày 27/6/2023, UBND tỉnh Hòa Bình có Thông báo số 110-TB-UBND về thông báo thu hồi đất và tài sản trên đất; Kế hoạch số 2195/KH-UBND về kế hoạch thu hồi đất và tài sản trên đất. Hiện đang chuẩn bị thành lập hội đồng (tổ) để thông báo, kiểm đếm, phân loại, áp giá.
Về vấn đề tái định cư, theo Thông báo số 110-TB-UBND về thông báo thu hồi đất và tài sản trên đất, dự án cần tái định cư cho khoảng 12 hộ dân và dự kiến bố trí vào khu tái định cư Đồng Trùng, phường Thống Nhất. Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư vẫn chưa được triển khai xây dựng. Với quy trình thủ tục và tiến độ thì dự kiến nhanh nhất cuối quý I năm 2024 mới hoàn thành khu tái định cư này.
Với những vướng mắc trên, Ban Quản lý dự án 6 kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm, giải quyết. Cụ thể, Ban Quản lý dự án 6 kiến nghị: Đối với phần 70% diện tích đã đến bù từ năm 2003 (di dời đường điện, nước, viễn thông), UBND thành phố Hòa Bình đã mời các đơn vị liên quan xác nhận, kiểm tra hiện trường và có văn bản số 225/UBND-TTPTQĐ ngày 30/6/2023 yêu cầu các đơn vị phải di dời các công trình trên trước ngày 30/7/2023. Đề nghị UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện.
Đối với phần 30% giải phóng mặt bằng bổ sung, Ban Quản lý dự án 6 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình sớm thành lập hội đồng (tổ) để kiểm đếm, áp giá, chi trả tiền để các hộ dân di chuyển bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án 6 (cả phần kết cấu liên kết giữa phạm vi đền bù năm 2003 và phần giải phóng mặt bằng mới).
Về vấn đề tái định cư, để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án 6 đề nghị tỉnh Hòa Bình chấp thuận bố trí các hộ dân vào khu tái định cư đã xây dựng.
Trong khi đó, về vấn đề giải ngân vốn giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án 6 cho hay, theo đề nghị của Trung tâm Phát triển Quỹ đất, năm 2023 bố trí 56 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân được. Vì vậy, Ban Quản lý dự án 6 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sơm hoàn thiện thủ tục để giải ngân vốn.
Thông tin về tình hình triển khai dự án, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay, gói thầu xây lắp số 07 trị giá khoảng 180 tỷ đồng thi công xây dựng từ Km73+500 - Km78+500, Quốc lộ 6, hiện nhà thầu đang tập trung thi công chủ yếu là các cầu trên tuyến và hệ thống thoát nước (rãnh dọc, cống các loại, …). Riêng phần cầu nhà thầu đang tập trung 3 mũi thi công, nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng 1/5 đã tổ chức lao dầm cho cầu Suối Chăm, cầu Xóm Xậm. Về phần đường, nhà thầu cũng đang tập trung 6 mũi thi công cống các loại, rãnh dọc thoát nước, bóc lớp đất hữu cơ, đào, đắp nền đường…
Về kế hoạch giải ngân vốn cho dự án, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay, năm 2022 đã giải ngân hơn 56 tỷ đồng. Năm 2023 dự kiến khoảng 151 tỷ đồng và năm 2024 phần còn lại trong tổng mức đầu tư.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình có điểm đầu tại Km73+500 - Quốc lộ 6, điểm cuối tại Km78+500 - Quốc lộ 6 tại nút giao với đường An Dương Vương, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, hướng tuyến đi trùng với tuyến Quốc lộ 6 hiện nay. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp III đồng bằng 4 làn xe; chiều rộng nền đường 20,5m; mặt đường 19,5m; tốc độ thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án là gần 474 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian thi công hoàn thành dự án trong năm 2024.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình sẽ góp phần hoàn thiện tuyến Quốc lộ 6 theo quy hoạch; hình thành tuyến vành đai phía ngoài (sau này theo quy hoạch sẽ là tuyến trục chính đô thị) của thành phố Hòa Bình để hỗ trợ phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình. Từ đó, tăng cường kết nối Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh…