Hà Nội muốn nâng vốn Trung ương tại dự án nâng cấp QL6 đoạn Ba La – Xuân Mai hơn 8.100 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn Trung ương của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai từ 1.600 tỷ đồng lên thành hơn 2.106 tỷ đồng.

Sáng 8/4, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tờ trình này, UBND TP Hà Nội đề nghị HĐND thành phố cho ý kiến điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trung ương của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai từ 1.600 tỷ đồng lên thành hơn 2.106 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn tăng hơn 500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và giảm phần tương ứng phần vốn ngân sách thành phố không thuộc trường hợp bắt buộc điều chỉnh chủ trương đầu tư thoe quy định của Luật Đầu tư công.

 Đồ họa: Alex Chu.

Trước đó, vào ngày 18/3/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến nay dự án đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn hằng năm.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI cũng đã quyết nghị đầu tư dự án này với chiều dài khoảng 21,7 km.

Điểm đầu dự án tại Km14+0.0, địa phận Ba La, quận Hà Đông, điểm cuối tại KM38+000, kết thúc thị trấn Xuân Mai, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, Hòa Bình (đã trừ đoạn qua trung tâm thị trấn Chúc Sơn từ Kml9+920 đến Km22+220).

Mặt cắt ngang đường rộng 60 m, thiết kế với tốc độ 80 - 100km/h. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.113 tỷ đồng, gồm 6.513 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, 1.600 tỷ đồng còn lại do ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Kế hoạch vốn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 được giao là 5.600 tỷ đồng gồm 1.600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 4.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2027. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.

Hiện trạng Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Quốc lộ 6 qua địa bàn Hà Nội đoạn Ba La - Xuân Mai là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía tây Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Ngoài ra, tại phiên họp sáng nay, UBND thành phố đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 36 dự án (gồm 30 dự án nhóm B, 6 dự án nhóm C) được UBND thành phố chỉ đạo, giao các đơn vị thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Trong số 36 dự án, có 9 dự án sử dụng 100% ngân sách cấp huyện (thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên và các huyện Thường Tín, Thanh Trì), 2 dự án sử dụng ngân sách quận (Bắc Từ Liêm) và ngân sách thành phố. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 10.421 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hơn 7.210 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện là gần 3.211 tỷ đồng.

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, ngân sách cấp thành phố gồm hơn 7.210 tỷ đồng, dự kiến sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 5.768 tỷ đồng (chiếm khoảng 80% tổng mức đầu tư), bảo đảm không vượt khả năng cân đối ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025.

Các dự án này đã có trong danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 (đề nghị bổ sung kế hoạch trung hạn 3 dự án: Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ - Địa chất tới đường Phạm Văn Đồng; bảo tồn, tôn tạo di tích đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; bảo tồn, tôn tạo di tích cụm di tích đền An Dương Vương tại khu di tích thành Cổ Loa.

Theo đánh giá, các dự án trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư là các dự án quan trọng thuộc đối tượng ưu tiên của các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố xem xét thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án (gồm 3 dự án nhóm B, 4 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố và cấp huyện, tổng mức đầu tư dự kiến 2.347,7 tỷ đồng.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.