CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH) công bố kết quả kinh doanh sau 9 tháng ghi nhận 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý là doanh thu thuần trong kỳ của công ty chỉ đạt 464 tỷ đồng, chưa bằng 40% doanh thu 9 tháng năm ngoái.
Theo đó, lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư thay vì hoạt động kinh doanh chính, kéo doanh thu mảng tài chính tăng 140% so với cùng kỳ năm trước lên 307 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi hơn 40 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định cũng góp phần đẩy kết quả kinh doanh của Thuduc House tăng cao.
Khoản lãi sau thuế 9 tháng đầu năm cũng giúp doanh nghiệp giảm lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9 còn 8 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tổng nợ phải trả của Thuduc House giảm còn một nửa so với hồi đầu năm, tương ứng 1.700 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp trả bớt hơn 770 tỷ đồng nợ vay tài chính, kéo dư nợ doanh nghiệp còn 255 tỷ đồng (chủ yếu là vay ngân hàng).
Bên cạnh đó, giá trị các khoản phải trả cũng giảm mạnh từ 1.174 tỷ đồng còn 757 tỷ đồng, song riêng khoản phải nộp theo các quyết định của Cục thuế vẫn còn 440 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý III, tồn kho các dự án bất động sản của Thuduc House giảm 46% cìn 540 tỷ đồng. Nguyên nhân là công ty đã rút vốn khỏi dự án Aster Garden Towers Bình Dương và Khu đô thị mới Nam Cần Thơ.
Thương vụ rút khỏi dự án Aster Garden Towers cũng là nguyên nhân khiến Thuduc House bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) "tuýt còi" vì chậm công bố thông tin.
Ngoài hàng tồn kho, lượng tiền mặt của Thuduc House cũng giảm mạnh 57% xuống còn 100 tỷ đồng. Mặt khác, giá trị tài sản cố định và các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty cũng lần lượt giảm 69% và 43%.
Kết quả là quy mô tài sản doanh nghiệp thu hẹp 1.330 tỷ đồng (24%) sau 9 tháng đầu năm về 4.239 tỷ đồng.
Việc Thuduc House liên tục thanh lý các khoản đầu tư vào nhiều đơn vị khác cùng với thanh lý bớt các tài sản cố định xuất phát từ chiến lược thu mình trước cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất trong 30 năm hoạt động của doanh nghiệp.
Khởi điểm của cuộc khủng hoảng bắt đầu từ lùm xùm nợ thuế hơn 400 tỷ đồng cùng thông tin Thuduc House liên quan đến vụ án cố tình chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác. Doanh nghiệp sau đó đã đưa ra phản đối với kết luận thanh tra và khẳng định "không tiến hành bất kỳ hành động nào bất hợp pháp".
Mặc dù phía Thuduc House bác bỏ thông tin trốn thuế, song doanh nghiệp vẫn phải thực hiện yêu cầu thu hồi nợ thuế với số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với ngân sách nhà nước.
Vào đầu tháng 3, cơ quan thuế đã ban hành các quyết định cưỡng chế thuế Thuduc House đến các ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản. Theo đó, HOSE đã đưa cổ phiếu mã TDH của Thuduc House vào diện cảnh báo bắt đầu từ ngày 6/4.
Đến đầu tháng 4, Cục thuế TP HCM tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Thuduc House, tuy nhiên lệnh cưỡng chế này đã được chấm dứt và doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng hóa đơn kể từ ngày 9/6.
Chủ tịch HĐQT Thuduc House Lê Chí Hiếu từng chia sẻ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lùm xùm truy thu thuế có thể xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt 30 năm hoạt động của doanh nghiệp.
Chưa hết những lùm xùm quanh việc nợ thuế, ngày 29/9 vừa qua, Thuduc House tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) "tuýt còi" vì chậm công bố loạt thông tin, trong đó có thông tin về việc doanh nghiệp này thoái sạch vốn tại công ty con vào tháng 3 năm nay.
Doanh nghiệp thành viên được nhắc đến là Công ty TNHH Song Hỷ Quốc Tế, đơn vị làm chủ đầu tư dự án Cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers (Tecco City) tại tỉnh Bình Dương với quy mô 1,98 ha. Theo dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, được khởi công trong năm nay và bàn giao vào năm 2022.
Không chỉ thương vụ rút khỏi chủ dự án Aster Garden Towers, Thuduc House còn thanh lý loạt khoản đầu tư vào nhiều đơn vị khác.
Đơn cử, từ tháng 6 đến nay, doanh nghiệp đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM (Fideco) để giảm tỷ lệ sở hữu, tuy nhiên do thị trường diễn biến không thuận lợi, đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể thoái hết vốn tại công ty con này. Ngày 30/9 vừa qua, Thuduc House đã đăng ký bán tiếp gần 5,4 triệu cổ phiếu FDC còn lại, thời gian dự kiến từ ngày 6/10 - 4/11.
Ngày 28/9 trước đó, HĐQT Thuduc House cũng thông qua chủ trương thoái vốn tại một công ty liên kết là CTCP Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức (DWTD).
Giữa tháng 6, doanh nghiệp cũng thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,49% vốn điều lệ tại một công ty liên kết khác là CTCP Chứng khoán Sen Vàng.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết gồm CTCP Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị (giá chuyển nhượng hơn 139 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức (2,52 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thông Đức (223,8 tỷ đồng).
Tháng 9 vừa qua, CTCP Louis Land (Mã chứng khoán: BII) thông báo trở thành tân cổ đông lớn của Thuduc House cùng thông tin hai doanh nghiệp này sẽ hợp tác phát triển 5 dự án BĐS đã dấy lên hy vọng cho giới đầu tư về sự khởi sắc của Thuduc House sau đợt khủng hoảng vừa qua.
Cụ thể, hai bên đã thành lập 5 pháp nhân mới, gồm công ty Louis Mekong River làm dự án ở Cần Thơ, vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, trong đó Thuduc House góp 45%, Louis Land 45% và còn lại là cổ đông khác.
Tiếp đến là dự án Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ) ở An Giang, tên công ty dự án là Louis Mega City, vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó Thuduc House và Louis Land mỗi bên góp 38,89% vốn, các cổ đông khác góp 22,22% vốn.
Đối với dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang, tên công ty dự án là Louis Central Plaza, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó Thuduc House góp 35% vốn, Louis Land góp 25% vốn, các cổ đông khác 40% vốn.
Dự án Phan Văn Hớn - Hóc Môn tên công ty dự án là Louis Mega Tower, vốn điều lệ 375 tỷ đồng, trong đó Thuduc House góp 57,33% góp vốn, Louis Land góp 38,67% vốn, còn lại cổ đông khác 4%.
Cuối cùng là dự án Louis Seaview, công ty dự án là Louis Seaview với vốn điều lệ 9.765 tỷ đồng, trong đó Thuduc House góp 30% vốn, Louis Land góp 30% và cổ đông khác 40%.
Tuy nhiên chưa đầy một tháng kể từ khi Louis Land và Thuduc House ký kết hợp đồng, Louis Land bất ngờ rút sạch vốn góp tại đơn vị này. Trong phiên giao dịch ngày 18/10, Louis Land đã bán toàn bộ hơn 11,3 triệu cổ phiếu TDH, giảm tỷ lệ sở hữu về 0%.
Ngược lại phía Thuduc House đồng thời ra quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược đầu tư 4 dự án bất động sản với Louis Land, bao gồm dự án Khu dân cư Cần Thơ, dự án bất động sản tại Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ), dự án Trụ sở Công an tỉnh An Giang và dự án Phan Văn Hớn.
Cũng trong thời gian này, HOSE thông báo đưa cổ phiếu TDH của Thuduc House vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 21/10 do Thuduc House vẫn tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán mặc dù đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 28/5 trước đó.
Trước những thông tin tiêu cực kéo dài đối với doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp cao của Thuduc House lần lượt đăng ký thoái vốn. Đáng chú ý có Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đăng ký bán hơn 80% số cổ phần TDH và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Trường Chinh đăng ký bán toàn bộ cổ phần hiện sở hữu. Trước đó, ông Chinh cũng nộp đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị công ty vì lý do sức khỏe.