Số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy tính đến cuối năm 2017, số thuê bao di động Việt Nam đạt 119,7 triệu, giảm 1,3%. Tổng số thuê bao điện thoại nói chung (cả di động và cố định) ước đạt 127,4 triệu, giảm 2,1% so với cùng kỳ.
Tuy giảm về số lượng thuê bao, doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 vẫn tăng trưởng, ước tính đạt 380.000 tỷ đồng, cao hơn 7,3% so với năm 2016.
Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đối với các nhà mạng và điểm kinh doanh về việc quản lý SIM số, thuê bao trả trước, SIM rác trên thị trường, thu hồi SIM kích hoạt sẵn đăng ký sai thông tin... Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm số thuê bao di động, vốn có nhiều thuê bao ảo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cũng làm "mạnh tay" hơn so với thời gian trước đây trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của mình. Các đơn vị tiến hành rà soát, xác minh lại và làm mới thông tin thuê bao theo quy định.
Trong năm 2017, số lượng SIM không đúng thông tin đăng ký, kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối bị loại bỏ, thu hồi là khoảng 4 triệu SIM. “Kết quả, tổng số thuê bao đã bị khóa tài khoản là gần 24 triệu SIM. Sau khi triển khai cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối đi vào hoạt động, số lượng tin nhắn rác đã giảm đi nhiều, ước tính giảm khoảng 80%”, ông Nguyễn Trọng Đường - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) chia sẻ.
Bên cạnh đó, 5 doanh nghiệp viễn thông di động đang hoạt động hiện nay gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile, Gtel cũng phối hợp cùng các đơn vị chức năng để ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác, vốn là vấn đề nhức nhối của viễn thông trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Sau 7 tháng triển khai cam kết (từ tháng 5/2017), số lượng tin nhắn rác bị chặn trên toàn mạng là 214 triệu. Hiện tại, theo VNCERT , số lượng tập mẫu tin nhắn rác dùng chung đã thu thập, tổng hợp được khoảng 160.000 mẫu.
Trong năm 2018, thị trường viễn thông sẽ đón chờ chính sách chuyển mạng giữ số đi vào thực tế sau nhiều năm lên kế hoạch và chuẩn bị. Với cơ chế mới này, thuê bao giữa 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone (những đơn vị đầu tiên được cấp phép) có thể đăng ký thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của mình mà không cần thay đổi số thuê bao đang sử dụng.
Chuyển mạng giữ số có thể lỡ hẹn đầu năm 2018
Kế hoạch chuyển mạng giữ số đã chuẩn bị từ lâu nhưng hiện tại vẫn chưa áp dụng và có thể trễ hẹn so với ... |
Chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số trong năm 2018
Theo lộ trình phát triển, việc chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số sẽ tiến hành từ năm 2018 sau thời gian dài chuẩn ... |
Cách kiểm tra xem thuê bao có bị mất tiền oan từ các dịch vụ gia tăng
Quý độc giả có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn cụ thể ngay sau đây để kiểm tra những dịch vụ gia tăng ... |