Thượng toạ Thích Tiến Đạt hướng dẫn cách giải nghiệp theo giáo lý Phật giáo

Theo Thượng toạ Thích Tiến Đạt, nhân - quả rất rõ ràng, không thể lẫn lộn. Trong Phật pháp cũng không có chuyện bỏ tiền ra để chuộc tội.
Thượng toạ Thích Tiến Đạt hướng dẫn cách giải nghiệp theo giáo lý Phật giáo - Ảnh 1.

Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Sáng nay (30/3), Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ Đại Từ Ân - Trường Trung cấp Phật học Hà Nội đã có buổi thuyết trình về chủ đề “Tín ngưỡng - Đạo Phật: Thế nào là đúng?”.

Họa - phúc do con người tạo ra và phải tự gánh chịu

Theo Thượng toạ Thích Tiến Đạt, Phật giáo xuất phát điểm không phải tôn giáo. Phật giáo là sự nghiệp giáo dục và lấy tiêu chí giáo dục làm căn bản. Nên trong đạo Phật, quan hệ giữa đức giáo chủ với những người tu học không ở khoảng cách tối thượng mà trong khoảng cách thầy trò.

Thượng toạ Thích Tiến Đạt nói, đức Phật không tự nhận mình là đấng quyền năng, thiêng liêng, mà chỉ nhận là người thầy biết đường và chỉ cho chúng sinh đi.

Nói về tín ngưỡng, ông chia sẻ tín ngưỡng là niềm tin, không thể đem niềm tin hay góc nhìn của người này quy chụp cho người khác.

Thượng toạ Thích Tiến Đạt cũng nhấn mạnh, đạo Phật là con đường đi đến giác ngộ, không chấp nhận sự mê muội, mê tín mà phải luôn là chính tín, mọi việc phải rõ ràng.

Theo nguyên lý, đức Phật chỉ là người giác ngộ ra quy luật chứ không phải là người tạo ra quy luật. Vì thế, đạo Phật có nói đến luật nhân quả, dù Phật có ra đời hay không, người ta có tin Phật hay không thì luật nhân quả vẫn tồn tại, không chừa một ai cả.

Nhắc đến giáo nghĩa về nghiệp, Thượng toạ Thích Tiến Đạt lý giải, nghiệp cũng là quy luật, quả báo cũng là một quy luật. Tất cả những cái đó vận hành một cách độc lập với chúng ta, không phải do ta muốn thì nó vận hành, ta không muốn thì nó không đến.

Về con người, đức Phật giác ngộ một điều là tất cả chúng sinh đều nằm trong quy luật của duyên sinh.

Thượng toạ Thích Tiến Đạt cho rằng, trước đây có quan điểm cho rằng con người, vạn vật đều có định mệnh, và có thần linh gọi là Thượng đế ban số mệnh định sẵn, người ta tin sinh ra là có số mệnh định sẵn. Nhưng đức Phật bảo không có số phận định sẵn, không có thần linh nào định mệnh cho con người mà đều diễn tiến theo nguyên tắc của duyên sinh.

Đức Phật tuyên bố mình không phải là thượng đế để ban phúc giáng hoạ cho chúng sinh, và thượng đế cũng không có khả năng ban phúc giáng họa cho chúng sinh.

Mà hoạ phúc của chúng sinh do chúng sinh tự tạo, tự chịu trách nhiệm và phải thay đổi nó, không ai ban phúc và trừ hoạ cho chúng ta được.

Giải nghiệp cách nào?

Báo Giao thông đặt vấn đề với Thượng toạ Thích Tiến Đạt về việc trong xã hội hiện nay, nhiều người đang có quan niệm cúng dường, đóng góp vào các quỹ trong chùa thật nhiều hoặc chăm đi từ thiện thì sẽ tránh được tai hoạ, hoá giải những nghiệp xấu mà người ta đã tạo ra. Theo Phật pháp, quan niệm này có đúng?

Thượng toạ Thích Tiến Đạt giải thích, giải nghiệp phải nhờ tu tập, trong đó có 6 phương pháp tu tập.

Trước hết là phương pháp "bố thí", tức là đem tiền cúng dường tam bảo, phụng dưỡng cha mẹ, cứu giúp kẻ nghèo người đói, cứu giúp người bệnh tật...

Theo Thượng toạ Thích Tiến Đạt, tài sản gắn liền với sở hữu của chúng ta, là cái thứ hai của mạng sống, nếu không có tài sản thì không sống được, nên bỏ bớt một phần tài sản, đem tài sản đi làm việc thiện chính là bỏ bớt chất "ngã".

“Nhưng đồng tiền ấy phải là đồng tiền chân chính, đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của mình, mình có bố thí, có cúng dường mới tạo ra phúc được. Còn đồng tiền có được do làm việc tội lỗi đem đến cúng thì không bao giờ có thể tạo ra phúc” - Thượng toạ lý giải.

Phương pháp khác là trì giới, tức là phải sống một cuộc sống nghiêm túc, đúng pháp luật và như Phật chỉ dạy. Tiếp đến là phải nhẫn nhục, nhẫn nại, tránh tiếp tục tạo ra nghiệp, tránh chuyện thị phi; Rồi phải luôn nỗ lực sửa mình đến khi nào trọn vẹn mới thôi...

Và đặc biệt, phải có trí tuệ, như đức Phật nói, muốn thay đổi cái gì trước hết phải thay đổi nhận thức. Từ suy nghĩ, tư duy đúng dẫn đến lời nói, hành động đúng, tất cả cái đúng đó mới xoay lại nghiệp của mình, như thế mới được giải nghiệp.

“Không phải cứ mang tiền đến rồi phó mặc cho Trời, Phật là giải được nghiệp” - Thượng toạ Thích Tiến Đạt chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, ông cho rằng nhân quả rất rõ ràng, không thể lấy cái này đổi cho cái kia. "Ví dụ anh tạo nghiệp giết người thì sau này anh phải trả nghiệp đó, còn anh cúng dường tam bảo thì anh sẽ có phúc của cúng dường tam bảo, chứ đừng nghĩ anh mang tiền đến để chuộc tội giết người, cái này không đúng", Thượng tọa nói.

Theo Thượng toạ, trong Phật pháp không có chuyện bỏ tiền ra để chuộc tội, không thể lẫn lộn về mặt nhân - quả.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.