Theo Nikkei Asian Review, Delivery Hero có trụ sở ở Berlin (Đức) cần phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh ở Hàn Quốc trước khi có thể tiến hành quá trình thâu tóm Woowa Brothers.
Woowa Brothers vốn được biết đến là công ty mẹ của hãng giao đồ ăn Baemin đang hoạt động tại Việt Nam.
Delivery Hero đang điều hành Delivery Hero Hàn Quốc, công ty sở hữu ứng dụng giao đồ ăn Yogiyo và là đơn vị lớn thứ hai ở thị trường này. Năm 2019, họ đã đồng ý mua lại Woowa Brothers (công ty dẫn đầu thị trường) với giá 4 tỷ USD.
9 thành viên hội đồng của Cơ quan Cạnh tranh công bằng (FTC), đứng đầu là Chủ tịch Joh Sung-wook, cho biết họ chấp nhận thỏa thuận này với điều kiện công ty của Đức sẽ bán 100% cổ phần tại Delivery Hero Hàn Quốc.
Mặt khác, các nhà chức trách cũng cho rằng thương vụ thâu tóm sẽ vi phạm các quy định về cạnh tranh, bởi sau khi sáp nhập, công ty thực thể sẽ thống trị thị trường giao đồ ăn Hàn Quốc.
"Việc bán ứng dụng giao đồ ăn Yogiyo sẽ giải quyết mối lo về thỏa thuận giới hạn sự cạnh tranh trong số những đơn vị tham gia thị trường ứng dụng giao đồ ăn", Chủ tịch FTC phát biểu trong một cuộc họp báo.
Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách đang ngày càng lo ngại về quyền lực của các công ty công nghệ và Internet, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Delivery Hero đã kí kết thỏa thuận mua Woowa Brothers năm 2019. Trong thỏa thuận, hai bên đồng ý thiết lập một liên doanh ở Singapore và để nhà sáng lập Woowa và CEO Kim Bong-jin quản lí chi nhánh hoạt động của Delivery Hero ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Woowa điều hành Baebal Minjok, hay còn gọi là Baemin, ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc, trong khi đó, Delivery Hero điều hành Yogiyo và Baedaltong, ứng dụng đứng thứ hai và 4 ở thị trường này.
Theo IGA Works, một công ty phân tích dữ liệu di động, cho biết các công ty này gộp lại đã chiếm 97,4% thị phần tính tới tháng 8/2020 xét về mặt người dùng hoạt động hàng tháng.
Delivery Hero hiện chưa phản hồi với Nikkei Asia Review về vấn đề này. Công ty hiện hoạt động ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Âu, châu Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á dưới nhiều thương hiệu khác nhau.
Trong nửa đầu năm 2020, công ty đã báo cáo tổng giá trị hàng hóa đạt 5,1 tỷ euro (6 tỷ USD) và xử lí 519 triệu đơn hàng, khiến công ty trở thành một trong những nền tảng giao đồ ăn lớn bậc nhất thế giới.
Một luật sư đại diện cho Delivery Hero cho biết thị trường đang thay đổi nhanh chóng khi Coupang Eats, đơn vị đứng thứ ba trên thị trường này, sử dụng những khuyến mại sốc để thu hẹp khoảng cách với đối thủ.
Người này cũng cho biết Naver, công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc, cũng đang tận dụng lợi thế khách hàng rộng lớn của mình để gia nhập thị trường. Naver hiện đã cung cấp dịch vụ kết nối giữa nhà hàng với khách hàng.
Phía FTC phủ nhận những phát biểu trên và nói rằng Coupang không đủ mạnh để đe dọa Baemin hay Yogiyo bởi công ty chỉ hoạt động ở Seoul và các khu vực lân cận.
Một luật sư đại diện cho Woowa thì nói rằng công ty không có lựa chọn nào khác là chấp nhận lời đề nghị mua với giá 4 tỷ USD của Delivery Hero trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của họ đang chậm lại và phải đối mặt với những thách thức từ Coupang.
Coupang là một trang thương mại điện tử lớn ở Hàn Quốc, từng nhận 3 tỷ USD đầu tư từ Softbank, sau khi Chủ tịch Masayoshi Son của tập đoàn này đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của công ty.
Hội đồng FTC là cơ quan ra quyết định cấp cao nhất của tổ chức này. Họ cho rằng trường hợp của Baemin và Delivery Hero có những tác động kinh tế to lớn. Delivery Hero có 30 ngày để kháng cáo hoặc gửi đơn kiện lên Tòa án tối cao Seoul (Hàn Quốc).