Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo.

Cụ thể, theo TTXVN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, vì mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

“Đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng hai phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất, phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của Cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến”.

Đồng thời, Tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận.

Trước đó, tại chương trình phiên họp thứ 21 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là về thời hạn sở hữu nhà chung cư (Điều 25 của dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua nghiên cứu, thảo luận, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến. 

Thứ nhất là không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật. Theo thông tin báo chí phản ánh dư luận xã hội, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra cho thấy, chính sách về sở hữu nhà chung cư có thời hạn chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.

Quy định của dự thảo Luật cũng chưa khắc phục được tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ nhưng người dân không chịu di dời để cải tạo, xây dựng lại, do họ vẫn có quyền sử dụng đất và vẫn có thể căn cứ vào đó để “trụ lại” nhà chung cư.

Kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư nêu trong báo cáo Bộ Xây dựng về đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kèm theo Hồ sơ dự án Luật cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.

Do đó, nhiều ý kiến này đề xuất không bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật mà vẫn giữ như hiện hành, đồng thời bổ sung một số biện pháp, trình tự, thủ tục cụ thể liên quan đến phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất này.

Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, có ý kiến cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật nhưng đề nghị quy định cụ thể về thời hạn sở hữu nhà chung cư, không nên đồng nhất thời hạn sở hữu với thời hạn sử dụng nhà chung cư. Ý kiến khác đề nghị quy định thời gian sử dụng đất ở theo thời hạn sở hữu nhà chung cư (50 - 70 năm) hoặc quy định hai loại sở hữu vĩnh viễn và sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.