Mỗi độ giao thừa, tết đến xuân về người Việt thường tất bật với những mối lo toan rất đặc biệt. Một cảm xúc mãnh liệt cứ thôi thúc trong tận đáy tâm hồn, khiến cho mỗi người tự cảm thấy mình bận rộn hơn, vất vả hơn trước thềm năm mới. Đó là thứ cảm xúc vừa đau khổ lại vừa hồi hộp, đan xen niềm hạnh phúc mà vẫn gợn chút muộn phiền.
Có người cho rằng, người Việt Nam bây giờ đón tết nhạt hơn xưa và dường như họ đang “chơi tết” chứ không phải là “chờ đón xuân sang” như ý nghĩa vốn có của ngày lễ lớn này.
Nhận định này không phải là không có lí. Bởi lẽ có được một ngày lễ an hòa, sum họp là một điều rất đỗi thiêng liêng. Cũng chính vì lí do này mà người Việt tự ngàn đời đã cố gắng giải quyết mọi công việc để có được chút thời gian đủ dài để hưởng niềm hạnh phúc với gia đình người thân.
Khi đất nước phát triển, mỗi gia đình cũng có được điều kiện sống tốt hơn. Câu chuyện phải tiết kiệm từng thanh củi, lá dong để có được đồng bánh chưng đã trở thành giai thoại.
Ngày nay, ai cũng có thể sắm một mâm cỗ cúng tươm tất một cách đơn giản. Cái lo đến oằn người của các bậc cha mẹ về manh áo mới, quà mừng tuổi hay miếng ăn cho các con trong những ngày nghỉ Tết đã không còn.
Mọi người được hưởng niềm vui sum họp một cách trọn vẹn. Chúng ta có quyền nghĩ đến những phút giây thư thái để tận hưởng niềm vui an lạc.
Tuy nhiên, những lo toan không phải một sớm một chiều mà vơi đi. Người Việt đứng trước thềm năm mới vẫn có những cảm giác thất thỏm mừng lo lẫn lộn.
Càng đến gần ngày 23 tháng chạp âm lịch, những vướng mắc trong quan hệ xã hội lại càng thể hiện rõ hơn. Những khoản chi tiêu, vay mượn tưởng chừng đã chìm đâu đó trong quên lãng bỗng rầm rập xuất hiện.
Giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ bên ngoài thì cũng là lúc phải xếp đặt lại nhà cửa. Người Việt vốn có câu thơ tự trào “số cô không giầu thì nghèo, ngày 30 tết thịt treo trong nhà”.
Dù có điều kiện kinh tế ra sao thì mâm cỗ cúng, gian phòng khách của người Việt cũng phải tươm tất. Chí ít là đủ cho 3 ngày tết trọng. Vậy nên, cứ đến gần tết là nhà nhà lại tranh thủ mua sắm những vật dụng mới, những thứ mà người người cho rằng sẽ đem đến may mắn cho gia đình mình.
Cả xã hội cứ quay như vụ trong một vòng xoáy mang tên “Tết”. Để rồi, dù muốn hay không, dù đầy đủ sung túc hay còn chút khó khăn vướng mắc, người Việt nào cũng vướng vào những nỗi lo toan.
Gia đình nhỏ có mối lo nhỏ, gia đình lớn lại canh cánh mối quan tâm lớn. Không một ai có thể thờ ơ trước thời khắc chuyển giao đầy ý nghĩa của thiên nhiên. Có lẽ, muôn đời ngày tết vẫn là một dấu mốc quan trọng đối với đời người. Và nó sẽ không thể thay đổi được dẫu thời cuộc có xoay vần đến đâu.
Đi tìm câu trả lời cho tâm thế kì lạ của người Việt trong việc đón chào năm mới, tôi may mắn nhận được chia sẻ của tiến sĩ văn hóa Nguyễn Thị Hồng. Bà kể cho chúng tôi phong tục cúng tế trong đêm trừ tịch. Và câu chuyện đó phần nào lí giải được tâm tình sâu sắc của dân tộc chúng ta.
Theo phong tục truyền thống, đêm trừ tịch là thời khắc chuyển giao rất quan trọng của năm cũ sang năm mới. Người Việt không mấy khi dùng khái niệm trừ tịch để hình dung khoảnh khắc này.
Thay vào đó, tổ tiên chúng ta dùng một từ Hán - Việt giàu ý nghĩa hơn, giao thừa. Với ý nghĩa không chỉ là “chuyển giao” mà có có tính “kế thừa” tiếp nối những thành quả vốn có để bước sang một chu kì phát triển mới.
Theo quan niệm của cổ nhân, mỗi một năm Thiên đình sẽ cử một vị thần cai quản mới xuống trần. Vị đó được gọi chung là Quan Hành Khiển. Vị quan cũ sẽ rời đi đúng thời điểm giao thừa và vị quan mới chỉ đến trong đúng thời điểm đó.
Đây là một thời khắc rất quan trọng bởi mọi người cùng một lúc phải đưa tiễn một người đã phù trợ mình trong suốt một năm, đồng thời đón tiếp một vị nắm giữ vận mệnh muôn loài trong trong năm kết tiếp.
Đáng trân trọng như vậy nhưng thời khắc lại vô cùng ngắn ngủi. Do vậy, tự cổ chí kim người Việt giữ tục làm lễn “tống cựu nghinh tân” ngoài trời. Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài sân chính là để các vị quan hành khiển có thể cùng lúc chứng giám được lòng thành của mỗi gia đình.
Vị nào cũng được hưởng phần thơm thảo của lòng người, không thiên lệch. Đó chính là đạo lí trọng lễ nghĩa mà cổ nhân đã dày công tạo dựng và truyền dạy lại cho chúng ta.
Ngày này, nhiều người thường nhầm lẫn lễ cúng trừ tịch và mâm cỗ tất niên. Bản thân lễ cúng tất niên là mâm cúng trong nhà vào thời khắc cuối cùng của năm. Tức là ngay trước lễ giao thừa.
Đây không phải là một lễ chuyển giao nhưng nó mang ý nghĩa thiêng liêng không kém. Bởi mâm cỗ này không kêu cầu các quan Hành Khiển. Thay vào đó, lễ tất niên mời bổn thần địa phương, liệt vị tiền nhân về chứng giám.
Về cơ bản, đây là một nén tâm nhang để con cháu hướng lòng thành kính đến tổ tiên. Với mâm cơm này, những người đã khuất có thể trở lại với gia đình để cùng chung hưởng sự đoàn viên, chứng giám lòng hiếu thuận của hậu nhân. Phù hộ độ trì cho con cháu trong ngày xuân mới.
Lễ này thực hiện trong nhà và không liên quan đến bữa cơm tất niên. Bữa cơm tất niên thường làm vào lúc chiều hoặc tối của ngày 30 tết. Đây là lúc mọi người gặp mặt để chia sẻ với nhau những lo toan của năm cũ, động viên nhau phát triển trong năm mới.
Các cơ quan, hội đoàn có thể tổ chức bữa liên hoan này sớm hơn. Nhưng nó không mang ý nghĩa tâm linh và không phải lễ cúng tất niên. Lễ cúng tất niên là lễ tục thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, bữa cơm tất niên lại thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia của mỗi con người.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời. (Ảnh: Zing.vn). |
Qua câu chuyện về cách tổ chức và thứ bậc tiến hành những lễ tục trong một ngày chuyển giao của trời đất và đời người, ta có thể cảm thấy tập quán sinh hoạt của người Việt. Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy sự chu đáo đến từng chi tiết của dân tộc ta. Một hành động tiễn đưa năm cũ cũng được sắp xếp rất khoa học.
Người còn trên dương thế hoan hỉ thù tạc với nhau nhưng không quên người đã khuất. Thủ lễ với thần linh mà không quên trọng nghĩa với tiên tổ. Xét một cách rộng hơn, người Việt luôn cố gắng dung hòa mọi mối quan hệ và điều đó thể hiện rất rõ trong những ngày tết cổ truyền.
Phần lớn các lễ tiết của người Việt đều ảnh hưởng từ văn hóa của người Hán. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa nội hàm, mỗi lễ tục của người Việt Nam lại mang một thông điệp khác với người phương Bắc.
Tết Nguyên Đán của người dân Trung Hoa vốn dĩ là một ngày vui của muôn loài, thời điểm con người hấp thụ nguồn năng lượng mới. Họ chơi hoa, thưởng nguyệt. Tết kéo dài cả tháng trời và con người du hí tại nhiều địa điểm danh thắng. Họ tập trung con cái, họ hàng để phô diễn sự sung túc, hùng mạnh của gia tộc. Họ thực sự chơi xuân.
Người Việt vốn dĩ là một dân tộc nhỏ phát triển từ vùng núi xa xôi và nương theo miền duyên hải để tạo dựng cơ đồ. Chính vì điều kiện sinh hoạt đó, nhân dân ta luôn đề cao và mong cầu sự an hòa.
Ngày Tết là lúc mỗi con người thể hiện tâm ý thầm kín của mình. Và người Việt thể hiện nó bằng những hành động rất cụ thể. Chúng ta quây quần bên nhau để tìm kiếm sự chia sẻ của con người với con người, cầu cúng thần linh để xin được đời sống bình an.
Chính vì thế, người Việt không cầu Phúc như người phương Bắc mà cầu An vào dịp giao thừa hay đầu năm. Phải bước hẳn sang tháng Giêng, người Việt mới du xuân cầu tài, cầu lộc.
Cúng giao thừa: Các bước thực hiện và những kiêng kị không thể bỏ qua
Dưới đây là tất cả thông tin cần biết về lễ cúng giao thừa, bao gồm cách bày mâm cúng giao thừa, thời gian, địa ... |
Chuyên gia phong thủy gợi ý lễ vật cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời
Tuỳ vào điều kiện mỗi gia đình mà người ta sắm lễ vật, chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa. |
Cúng giao thừa nên cúng trong nhà hay ngoài trời trước?
Cúng giao thừa thường gồm hai lễ cúng cả trong nhà và ngoài trời, có những điều kiêng kị mà gia chủ cần lưu ý ... |
Lối sống 04:26 | 04/02/2019
Lối sống 23:30 | 03/02/2019
Thời sự 04:12 | 21/01/2019
Thời sự 23:00 | 20/01/2019
Thời sự 15:00 | 09/01/2019
Cổ học 00:30 | 15/02/2018
Cổ học 06:22 | 14/02/2018
Cổ học 06:00 | 13/02/2018