Sáng 29-1, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).
Tội phạm vẫn lộng hành
Báo cáo của cơ quan liên ngành cho thấy những diễn biến phức tạp của hoạt động tội phạm trong năm 2017. Hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp; các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện lộng hành.
Đáng lo ngại là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài dù được kiềm chế nhưng Việt Nam vẫn là "điểm nóng" của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm. Các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… có nhiều sai phạm. Sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết lực lượng này vừa bắt giữ, xử lý 25 xe tải hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đất Lạng Sơn với hàng trăm tấn hàng, đủ các chủng loại. Lô hàng "tạm nhập" này đã được phá "công kẹp chì" trong quá trình chờ "tái xuất" để rút mang ra thị trường tiêu thụ.
"Vụ Khaisilk chưa là gì so với sự phong phú của những mặt hàng trong lô này, với biểu hiện đủ cách như: cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam… Bộ Công Thương cần sửa quy định về xử lý hàng quá cảnh để bảo đảm thông lệ quốc tế nhưng cũng chống sự lợi dụng" - ông Cẩn nhấn mạnh.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 - cho biết nhiều vụ việc, cơ quan chức năng chỉ bắt được người vận chuyển hàng mà không làm rõ đối tượng chủ mưu, cầm đầu. "Nhiều vụ buôn lậu, số lượng lên tới hàng tấn ngà voi mà cũng chỉ bắt được người vận chuyển thuê, không rõ số ngà sẽ đưa về cho ai, đầu mối nào. Việc cho tạm nhập tái xuất cũng tiềm ẩn những tiêu cực, nguy cơ buôn lậu" - Thứ trưởng Lê Quý Vương lo ngại.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay để đối phó loại hình tội phạm này, tất cả lô hàng tạm nhập tái xuất qua địa bàn trong năm 2018 sẽ được soi chiếu an ninh chứ không chỉ tiến hành kiểm tra xác suất như với những lô hàng, mặt hàng nhạy cảm, có nguy cơ buôn lậu, gian lận cao nữa.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ảnh: Lê Sơn |
Còn tình trạng bao che, "bảo kê"
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
"Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao - như vụ đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia lên đến hàng ngàn tỉ đồng mà Công an tỉnh Phú Thọ đã phá, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... vẫn diễn ra phức tạp. Có nơi, có lúc tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên lộng hành, gây bức xúc trong dư luận" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chí "bảo kê" cho các hành vi vi phạm pháp luật. "Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn bất cập, chưa hiệu quả. Sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật, đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Cơ chế này sẽ được đẩy mạnh, giám sát bí mật chứ không chỉ đến nghe báo cáo mà thôi. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra để nắm bắt sát sao hoạt động của ngành mình" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng khẳng định kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" trong công tác này. Đặc biệt, cần có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng và địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vì sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; không để xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài nhưng đến khi người dân phản ánh thì lực lượng chức năng mới vào cuộc (như vụ Khaisilk; vụ cắt tai - mài vỏ bình gas, kinh doanh gas giả, kém chất lượng, chiết nạp gas trái phép...).
Cùng với việc xử lý các vụ án lớn, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đang quyết tâm thực hiện chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, hiện tượng cứ đòi phong bì thì mới giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết không để tình trạng một số cán bộ có vi phạm thì các cơ quan bắt tay với nhau để "cho qua".
Đánh bạc trên mạng hàng ngàn tỉ đồng Báo cáo của Bộ Công an cho biết năm 2017, phạm pháp hình sự xảy ra trên cả nước là 52.947 vụ. Trong đó, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi; đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng có vụ lên đến hàng ngàn tỉ đồng... Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389, năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm, trên 17.000 vụ phạm tội về kinh tế. |
Truy nã bà trùm nhập lậu siêu xe
Một trùm buôn lậu cùng đồng bọn nhập 18 siêu xe và bỏ trốn khi đồng bọn sa lưới. |