“Sau khi HĐXX giải thích, bị cáo thấy hành vi của mình là sai nên đã xin lỗi bị hại. Bị hại đón nhận lời xin lỗi và rút đơn yêu cầu khởi tố. Kết thúc phiên xử, hai người phụ nữ từng là tình địch ôm chầm lấy nhau khóc nức nở” - vị thẩm phán kể.
Nhấp một ngụm trà, vị thẩm phán trầm ngâm: “Hiện nay hòa giải chỉ đặt ra trong vụ án hành chính và dân sự nhưng tôi thấy trong vụ án hình sự cũng rất cần vì bên cạnh quy định, chúng ta luôn phải khơi gợi cái tình trong mỗi con người”.
Có lẽ đây là phiên tòa mà vị thẩm phán nhớ nhất trong những năm ngồi ghế xét xử. Hai người phụ nữ trong vụ án, một là bị cáo, một là bị hại, từng là hàng xóm láng giềng của nhau và rất thân thiết. Vợ chồng chị A. thường sang nhà chị B. tụ tập ăn uống. Thế rồi một ngày nọ, chị A. phát hiện giữa chồng mình và chị B. có mối quan hệ mập mờ, khó hiểu.
Từ đó hai người thường lời qua tiếng lại, dẫn đến cãi nhau và sự mâu thuẫn cứ dần lớn lên. Có lần họ cự cãi dữ dội, cán bộ phường phải xuống nhắc nhở. Đến một ngày chị B. chuyển nhà đi nơi khác và vẫn có những cuộc gặp gỡ bí mật với chồng chị A.
Chị A. dù sống ly thân với chồng nhưng cũng cố gắng tìm gặp riêng cả chồng và chị B. để nói chuyện và tìm mọi cách để mối quan hệ ấy không tiến xa hơn nữa nhưng đều vô vọng.
Buổi tối hôm ấy, chị A. cùng con đi ngang qua một quán ăn thì nhìn thấy chồng đang ngồi nhậu với chị B. Nỗi uất ức bấy lâu chưa nguôi, lại thấy cảnh chồng và nhân tình vui vẻ, chị A. đã không giữ được bình tĩnh.
Chị bảo con đi về nhà rồi một mình đi vào quán nhậu, tiến tới chỗ chị B. quát lớn: “Mày giật chồng tao hả?” và tát một cái vào mặt chị B. Bị đánh, chị B. đạp vào bụng làm chị A. ngã xuống. Tiếp đó, chị A. đứng dậy nhặt vỏ chai bia đánh vào đầu chị B. Rất may mọi người kịp can ngăn, đưa chị B. đi cấp cứu, còn chị A. bị công an mời làm việc.
Kết quả giám định cho thấy chị B. bị chấn thương phần mềm ở đầu tạo sẹo, tỉ lệ thương tật là 2%. Sau đó chị A. không hỏi han, không bồi thường và cũng không một lời xin lỗi.
Vì vậy chị B. làm đơn yêu cầu khởi tố và yêu cầu chị A. bồi thường chi phí chữa trị là 5 triệu đồng. Dù thương tích dưới 11% nhưng do sử dụng hung khí nguy hiểm nên chị A. vẫn bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
Phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày cuối năm và không khí càng căng thẳng hơn khi tại tòa, hai người phụ nữ trả lời HĐXX theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Chị B. cho biết kể từ ngày bị đánh, bị cáo bỏ mặc, không một lời hỏi han hay xin lỗi nên cương quyết yêu cầu tòa xử nặng. bị cáo thừa nhận diễn biến sự việc nhưng một mực khẳng định hành vi của mình là không sai vì bị hại đã dan díu với chồng mình.
Dù thẩm phán chủ tọa đã nhiều lần nhắc nhở nhưng hai bên vẫn căng thẳng, ai cũng đưa ra lý do để biện minh cho hành vi của mình. Cứ như thế, phiên xử với những tình tiết đơn giản nhưng đã kéo dài hơn dự kiến.
Hôm ấy, cả bốn đứa con của bị cáo cũng theo mẹ đến tòa. Dù không được trực tiếp tham dự phiên xử nhưng chúng cảm nhận được sự sợ hãi khi phải chứng kiến cảnh mẹ mình là bị cáo. Cha của chúng dù được tòa triệu tập với tư cách là người liên quan nhưng ông đã vắng mặt. Ông chỉ có lời khai ngắn gọn rằng vì vợ mình nghi ngờ, ghen tuông nên có xô xát với bị hại, ông có can ngăn và không tham gia đánh nhau.
Dù đã khá muộn nhưng HĐXX vẫn kiên nhẫn lắng nghe để mổ xẻ tất cả hành vi về sự mâu thuẫn giữa hai bên. Vị chủ tọa phân tích: Hành vi của bị cáo là bột phát cho sự dồn nén bấy lâu khi mâu thuẫn vợ chồng chưa giải quyết, cuộc sống nhiều áp lực khi phải gồng gánh nuôi bốn đứa con. Bị cáo cho rằng mình không biết chữ, nhận thức hạn chế, không suy nghĩ chín chắn. Nhưng hành vi của bị cáo là đáng phải lên án và chịu hình phạt thích đáng.
Chủ tọa tiếp: “Bị cáo có biết rằng hành vi ấy không chỉ ảnh hưởng đến mình, đến bị hại mà còn gây hệ lụy cho bốn đứa con, ai sẽ nuôi nấng, chăm lo cho con bị cáo nếu lỡ bị cáo phải đi tù?”. Lúc này chị A. im lặng, cúi mặt và những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên hai gò má.
Chủ tọa quay sang chị B. nói tiếp: “Chị thừa nhận có quan hệ với chồng bị cáo và hai bên cũng đã cãi vã nhiều lần về vấn đề này. Chị hiểu rằng bị cáo biết về những lần gặp gỡ giữa hai bên, lẽ ra chị nên chấm dứt mối quan hệ ấy. Thế nhưng mấu chốt vấn đề là chị mong muốn bị cáo biết sai và nói một lời xin lỗi chứ không muốn bị cáo phải đi tù”.
Lúc này bị cáo nhìn bị hại, ánh mắt họ không còn giận dữ và đầy thù hận như lúc trước nữa. Họ bắt đầu nhìn nhau với sự cảm thông giữa hai người phụ nữ đã đi hết nửa cuộc đời. Thế rồi bị cáo ngượng ngùng nói lời xin lỗi, chị B. cũng cảm nhận được sự thành tâm của bị cáo và đón nhận lời xin lỗi. Bất chợt cả hai bên cùng òa khóc trước nụ cười nhẹ nhàng của vị thẩm phán.
HĐXX tiếp tục giải thích rằng nếu chị B. không yêu cầu bị cáo bồi thường và tự nguyện xin rút đơn yêu cầu khởi tố thì HĐXX sẽ đình chỉ vụ án ngay theo quy định và chị B. đã làm theo. Kết thúc phiên xử cũng là lúc đồng hồ chỉ hơn 12 giờ trưa, hai người phụ nữ chạy đến ôm lấy nhau. Cái ôm đó còn ấm hơn ngọn lửa hồng trong đêm đông lạnh giá bởi dù muộn nhưng nó đến từ trái tim, từ sự cảm thông giữa hai người phụ nữ.
Cần tỉnh táo để không vướng vòng lao lý Trao đổi sau phiên tòa, vị chủ tọa cho biết hành vi của bị cáo là nguy hiểm, đáng bị lên án nhưng cả hai bên đều nhận thấy sai, việc bị hại rút đơn là tự nguyện thì có cơ sở đình chỉ vụ án. Hằng ngày, các vụ đánh ghen diễn ra ở khắp nơi, lột đồ,giật tóc, đánh đập… rồi quay clip đưa lên mạng xã hội. Nhưng mấy ai hiểu được sau khi hết cơn giận, họ không biết rằng rất có thể mình sẽ vướng vào vòng lao lý, từ “bị hại” trong tình cảm trở thành “bị cáo” về mặt pháp luật. Cách tốt nhất trong những trường hợp trên là báo cho chính quyền địa phương. Kẻ ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng. |
Chàng trai cầu hôn người yêu bằng cách hẹn đọ sức với tình địch
Chàng trai Trung Quốc tin rằng đây là cách lý tưởng để quyết định ai sẽ nhận được lời đồng ý của cô gái. |
Đâm chết ‘tình địch’ vì thấy ngồi nhậu chung với với vợ
Thấy anh C. ngồi nhậu chung với vợ, sẵn nghi ngờ từ trước, Thương cầm dao lao vào đâm khiến anh này tử vong. |
Mặc cảm tội lỗi của người vợ khiến chồng phạm tội giết tình địch
Hà đã cam chịu tất cả, đã cố quên đi cảm giác dằn vặt và mất mát, một lòng dốc sức chạy vạy vay mượn ... |