Tình hình Nga - Ukraine phức tạp, nhà đầu tư BĐS cẩn thận 'chết trên đống tài sản'

Trước bối cảnh kinh tế - chính trị phức tạp như hiện nay, chuyên gia Savills cho rằng trong 9 - 12 tháng tới các nhà đầu tư có thể buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính.
Tình hình Nga - Ukraine phức tạp, nhà đầu tư BĐS cẩn thận 'chết trên đống tài sản' - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Năm 2022, Việt Nam đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%.

Theo Savills Việt Nam, vào thời điểm tháng 1, đây được là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn trong khả năng. Tuy nhiên, sau những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ.

"Mục tiêu duy trì lạm phát trong khoảng 4% của Quốc hội là có thể đạt được. Mặc dù vậy, bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam", TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.

Riêng với lĩnh vực bất động sản (BĐS), một phân tích của Savills đã chỉ ra nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo), nhu cầu BĐS sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của BĐS.

Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung BĐS. Lạm phát do chi phí đẩy cũng khó dự đoán, thường do các biến cố không lường trước được như về môi trường, địa chính trị...

Theo ông Khương, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có ba kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và BĐS.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua nguồn cung BĐS nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm BĐS nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường BĐS bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.

"Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá BĐS tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng", Giám đốc cấp cao của Savills nhấn mạnh.

"Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong 9 - 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất chế, chính vì vậy việc giảm giá BĐS là rất khó xảy ra.

Đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của BĐS. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán BĐS vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó.

Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế".", TS Khương lưu ý.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.