Tình hình tăng trưởng kinh tế của các thành phố trực thuộc trung ương 6 tháng đầu năm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ đều có mức tăng trưởng kinh tế thấp. Kinh tế Đà Nẵng lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1997. Hải Phòng là điểm sáng lớn nhất khi đạt tăng trưởng 10,87% so với cùng kì năm 2019.

Hà Nội: Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề

Tình hình phát triển kinh tế nửa đầu năm 2020 của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 4, khách du lịch đến Thủ đô giảm 98,4% so với cùng kì. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Báo cáo của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn Thủ đô (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 3,39% so với cùng năm trước, mức tăng thấp so với cùng trong những năm gần đây, chủ yếu do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 1,61%. Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng 5,94%.

Về dịch vụ, tăng trưởng chỉ đạt 2,59%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,16% của 6 tháng đầu năm 2019. Đặc biệt các ngành Du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, hoạt động xuất, nhập khẩu, vui chơi, giải trí... bị ảnh hưởng nặng nề.

Về hoạt động ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 đạt 142 nghìn tỉ đồng. Chi ngân sách địa phương ước tính thực hiện 34,2 nghìn tỉ đồng.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP ước tính tăng 5,9%, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,68% so với bình quân cùng kì năm 2019.

TP HCM: Khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng âm

Tình hình phát triển kinh tế nửa đầu năm 2020 của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương - Ảnh 2.

(Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Tại TP HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,02% so với cùng năm trước.

Khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,11%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 0,67%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,04%.

Đáng chú ý, ba ngành dịch vụ có tỉ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng âm gồm: vận tải kho bãi giảm 0,79% so với cùng ; lưu trú và ăn uống giảm 38,89%; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 11,36%. 

Tổng thu ngân sách, số lượng khách du lịch quốc tế, số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, thu hút vốn đầu tư tại TP HCM đều giảm so với cùng năm trước.

Ngược lại, vốn từ ngân sách địa phương thực hiện tăng 32,5%, mức cao nhất trong vài năm gần đây.

 Hải Phòng: GRDP vẫn tăng trưởng 10,87% bất chấp Covid-19

Tình hình phát triển kinh tế nửa đầu năm 2020 của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương - Ảnh 3.

(Ảnh: Bộ GTVT)

Theo báo cáo, chỉ số GRDP của Hải Phòng vẫn tăng 10,87% so với cùng kì 2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm qua.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 14,02% so với cùng kì năm 2019, mức tăng cao nhất trong các tỉnh, TP lớn của cả nước.

Sản xuất lâm nghiệp vẫn duy trì ở mức ổn định. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 4,98%. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tăng 7,03%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,0%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 2,74% so với cùng kì năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 8.706,9 triệu USD, tăng 19,85%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 8.624 triệu USD, giảm 2,63%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,59%.

Đà Nẵng: Lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm trong 23 năm

Tình hình phát triển kinh tế nửa đầu năm 2020 của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương - Ảnh 4.

Ảnh tư liệu: Văn Luận

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kì năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành TP trực thuộc Trung ương (1/1997).

Cụ thể, khu vực dịch vụ giảm 4,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,40%. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,28%.

Qui mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước tính đạt 51.072 tỉ đồng, thu hẹp hơn 918 tỉ đồng so với cùng kì năm 2019. Trong đó khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỉ đồng.

Khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong số gần 7.200 doanh nghiệp được khảo sát nhanh, có đến 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần Thơ: Ngành dịch vụ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2010

Tình hình phát triển kinh tế nửa đầu năm 2020 của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương - Ảnh 5.

(Ảnh: Báo Xây dựng)

Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 25.939,35 tỉ đồng, tăng 1,43% so với cùng năm trước.

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tốc độ tăng trưởng đạt 2,42%. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng ít nhất của dịch Covid-19. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp tăng 4,11%; sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm 3,20%.

Khu vực công nghiệp, xây dựng tốc độ tăng trưởng đạt 6,66% so cùng kì, trong đó sản xuất công nghiệp tăng 8,07%. Các doanh nghiệp trong khu vực phải đối mặt với khó khăn từ đầu vào như thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, đến đầu ra như thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và nội địa bị sụt giảm đáng kể.

Ngành dịch vụ đạt 96,72% so cùng kì, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Cụ thể, hoạt động bán buôn, bán lẻ giảm 6,17%, vận tải và kho bãi giảm 13,66%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,03%, du lịch giảm 47,77%, hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí giảm 6,67%, dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng giảm 31%...

Về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua, song so với bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.