Không thể làm đám cưới vì lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump | |
Một nửa người Mỹ ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump |
Lệnh cấm nhập cảnh đối vối công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gây nhiều tranh cãi và bất ổn trên toàn nước Mỹ. Tại các sân bay, hàng chục người bị giam giữ và không được gặp người thân, một số người bị trục xuất về nước.
Dù tòa án Mỹ ngăn chặn một phần của lệnh cấm này, nhiều người tại Mỹ đã và đang trải qua những giờ phút mệt mỏi nhất trong cuộc đời.
'Cha không thể về nhà'
Vận động viên điền kinh nổi tiếng thế giới Mo Farah cho rằng lệnh cấm của Tổng thống Trump khiến anh như một người ngoài hành tinh.
Farah là công dân Anh sống ở Mỹ trong suốt 6 năm qua. Anh từng được Nữ hoàng Anh trao tặng huân chương hiệp sĩ vì những đóng góp cho thể thao Anh. Tuy nhiên, anh được sinh ra ở Somalia, quốc gia nằm trong danh sách 7 nước bị cấm nhập cảnh của tân tổng thống Mỹ.
Huyền thoại điền kinh người Anh có thể không được gặp lại con mình tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Gia đình anh sống tại Oregon và đây cũng là nơi anh tập luyện. Từ Ethiopia, Farah viết trên Facebook rằng mình có thể phải nói với những đứa con rằng "cha không thể về nhà".
Dòng chia sẻ của anh nhận được sự quan tâm từ nhiều người, đặc biệt là những người Anh. Họ luôn trân trọng và mong muốn anh trở về Anh sinh sống cùng gia đình.
Huyền thoại điền kinh người Anh có kế hoạch trở về Mỹ đoàn tụ cùng gia đình sau tháng 3, sau khi chương trình huấn luyện tại Ethiopia kết thúc.
Tuy nhiên, vận động viên điền kinh từng giành 4 huy chương vàng Olympic sẽ phải thay đổi kế hoạch này.
Cô gái không được gặp mẹ
Sahar Algonaimi dự định đến Mỹ trong một tuần để gặp mẹ, người phải trải qua một ca phẫu thuật.
Cô gái người Syria rời Saudi Arabia hôm 27/1 và đến Chicago 1 ngày sau đó. Ở sân bay, Algonaimi đưa hộ chiếu kèm chứng nhận của bác sĩ về tình trạng của mẹ. Ngay sau đó, nhân viên hải quan nói rằng cô không thể nhập cảnh vào Mỹ vì lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo.
"Tôi không thể miêu tả cảm xúc của mình khi đó, thật là phi nhân tính, tôi ở đây chỉ để thăm mẹ mình, một người đang ốm", cô chia sẻ.
Tỉnh dậy bên giường bệnh, người mẹ bàng hoàng vì không thấy cô con gái bên cạnh. Ảnh: Washington Post. |
Phía ngoài sân bay O'hare ở Chicago, cô cháu gái dành hàng giờ đồng hồ để chờ đợi Algonaimi nhưng chỉ để nhận được cuộc gọi từ nhân viên hải quan. Họ nói rằng dì của cô bé không thể vào nước Mỹ.
Hai dì cháu bật khóc và van xin. Họ mong mỏi liệu Algonaimi có thể ở lại Mỹ chỉ một ngày để nhìn mặt mẹ của mình.
Sau khi tỉnh dậy trong phòng phẫu thuật, bà Isaaf Jamaleddin bàng hoàng vì chẳng thấy cô con gái của mình bên cạnh. Cô đang trên máy bay về nước.
Bà bật khóc và hỏi người cháu gái: "Cháu đã chờ nó ở sân bay đúng không?"
"Chúng tôi chỉ là công dân hạng hai"
Anh Hamid Kargaran ngồi trong phòng khách ở San Francisco, theo dõi tin tức và chờ đợi cuộc điện thoại từ người vợ ở Iran. Vợ anh chuẩn bị trở về Mỹ.
"Chúng tôi không thể nghĩ rằng cả hai sẽ không được gặp lại nhau nữa, thật không thể tin được điều này lại xảy ra ở nước Mỹ", anh Kargaran chia sẻ.
Kargaran là công dân Mỹ, anh có sự nghiệp thành công với một công ty marketing danh tiếng. Vợ anh, Elaheh Iranfard, 28 tuổi, là một họa sĩ tại Học viện Nghệ thuật San Francisco.
Anh Kargaran và vợ không biết khi nào họ có thể đoàn tụ. Ảnh: Washington Post |
Iranfard về nhà tại Iran để thăm gia đình, sau khi cha mẹ cô không thể xin visa vào Mỹ. Nữ họa sĩ 28 tuổi đã có thẻ xanh, nhưng điều này cũng không thể giúp cô lên bất cứ một chiếc máy bay nào trở về Mỹ đoàn tụ cùng chồng.
Sau 2 đêm mất ngủ, Kargaran tìm mọi cách liên hệ với hải quan sân bay, những người kiên quyết từ chối cho phép vợ anh về Mỹ bằng nhiều lý do khác nhau. Một trong số họ nói: "Người Iran không phải bạn của chúng ta".
"Tôi thuê nhân công làm việc, đóng thuế đầy đủ. Tôi yêu đất nước này. Nhưng tôi cảm giác như mọi sự nỗ lực ấy trở nên thật vô nghĩa. Chúng tôi chỉ là công dân hạng hai", anh chia sẻ.
Đôi vợ chồng trẻ tiếp tục phải chờ đợi để Iranfard có thể có mặt tại San Francisco, dù bản thân họ không rõ khi nào được nhìn thấy nhau.
"Chúng tôi chỉ có thể cố hết sức thôi. Điều đó có ý nghĩa gì không?", anh nói.