Tội phạm buôn bán người tiếp cận 'con mồi' như thế nào?

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, việc các em học sinh công khai thông tin cá nhân của mình như địa chỉ, số điện thoại… lên mạng xã hội đã vô tình góp phần làm tăng nguy cơ bị các đối tượng buôn người nhắm tới và tìm cơ hội để ra tay. 

Sáng 17/10, Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đã có buổi chia sẻ với học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh (xã Tân Triều, Thanh Trì, TP Hà Nội) về chủ đề: “Các kỹ năng phòng chống tội phạm buôn bán người”.

toi pham buon ban nguoi tiep can con moi nhu the nao
Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an (Ảnh: Đình Tuệ).

Nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em gái

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động buôn bán người đang có những diễn biến phức tạp. Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc cũng đã lấy ngày 30/7 là ngày “Thế giới phòng, chống mua bán người”.

Con số thống kê được Trung tá Đào Trung Hiếu đưa ra chỉ rõ: Riêng tại Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm (2011 – 2015) đã phát hiện và phá hơn 2200 vụ án. Cùng với đó là gần 4300 nạn nhân trở thành “hàng sống” trong các đường dây buôn bán người này.

So với giai đoạn 2006 – 2010, ở giai đoạn 2011 – 2015, tội phạm buôn bán người tăng 23% về số vụ; 14,5% về số nạn nhân. Trong đó, 85% số nạn nhân đã bị bán ra nước ngoài. Chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia và trung chuyển một số nạn nhân sang các nước khác.

toi pham buon ban nguoi tiep can con moi nhu the nao
Trung tá Hiếu chỉ rõ, các em học sinh không nên công khai quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội vì sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích xấu (Ảnh: NVCC).

Ông Hiếu cho biết, nạn nhân trong các vụ buôn bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, cũng vẫn có nạn nhân là các nam thanh niên tuổi đời dưới 25. Họ chủ yếu bị lừa qua việc di cư tự do để tìm kiếm việc làm và bị kẻ xấu lợi dụng vào các mục đích khác nhau.

"Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người là dụ dỗ nạn nhân giúp tìm được công việc ổn định ở tỉnh ngoài hoặc nước ngoài nhàn hạ mà lương lại cao.

Kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội Zalo, Facebook… rồi làm quen, mời đi ăn uống, tán tỉnh yêu đương, sau đó mời đi chơi ở các tỉnh vùng biên để mua sắm hàng hóa giá rẻ. Rồi tìm cách đưa nạn nhân bằng đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới và bán cho các đối tượng bên kia biên giới.

Kẻ xấu có thể lợi dụng núp dưới danh nghĩa hợp pháp như trao đổi xúc tiến thương mại, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch…để đưa người qua biên giới.

Thậm chí, bọn tội phạm còn núp dưới chiêu bài mời tham quan du lịch, dự hội thảo quốc tế…để đưa nạn nhân ra khỏi Việt Nam. Khi sang đến nước sở tại, các đối tượng sẽ trở mặt và thu giữ tất cả giấy tờ của nạn nhân để ép họ phải hoạt động mại dâm hoặc bóc lột sức lao động”.

Không những thế, một số nạn nhân được giải cứu sau khi bị bán ra nước ngoài còn quay về quê nhà, mang theo tiền và vẽ ra những viễn cảnh về một cuộc sống phồn vinh ở xứ người để lừa chính người thân, bạn bè của mình. Thậm chí với cả chị em ruột thịt.

Học sinh cần làm gì để tự bảo vệ mình?

Về kỹ năng phòng chống tội phạm buôn bán người, Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ:

Các em học sinh cần tuyệt đối không nên đưa hết các thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có của gia đình. Vì hiện nay tội phạm thường “tăm tia, săn mồi” ngay từ các trang Facebook.

toi pham buon ban nguoi tiep can con moi nhu the nao
Theo vị chuyên gia tội phạm học, học sinh nên cảnh giác với những mối quan hệ qua mạng, nhất là người không rõ ràng về nhân thân, công việc... (Ảnh: NVCC).

Nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội…Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt.

Với những mối quan hệ mà mình có nghi vấn, cần tâm sự với bố mẹ để nghe lời khuyên và không được tự ý đi chơi xa với những người này.

Nên phải cảnh giác trước những kẻ tuy mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…

Nếu thường xuyên đề cao cảnh giác và chú ý quan sát đối tượng tiếp xúc của mình, có thể phát hiện ra những dấu hiệu “lâm sàng” của bọn buôn người. Chẳng hạn như cử chỉ thái độ bất thường khi tiếp xúc, tính vô lý trong câu chuyện mà chúng đưa ra, hay sự không rõ ràng về lý lịch, hoạt động hiện hành. Có câu: “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên bẫy chuột'',

Khi chưa thể biết rõ địa chỉ, quan hệ, công việc hiện tại của họ, tuyệt đối không được làm theo những gợi ý, đề nghị của kẻ đó.

Đặc biệt, với những lời rủ rê đi làm ăn xa, công việc thì nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao, thì hãy tin rằng đó chính là một cái bẫy đang chờ mình sa chân. Kẻ buôn người cũng rất khó bịa ra được cơ quan, tổ chức hay cá nhân sử dụng lao động, cũng như về hồ sơ thủ tục hợp đồng lao động. Chỉ cần gặng hỏi những thông tin về nơi đến, chúng sẽ lung túng nói dối quanh rồi bộc lộ sơ hở, thiếu logic hay tự mâu thuẫn trong lời nói, việc làm.

Trường hợp đối tượng nói ra địa chỉ nơi sẽ tiếp nhận mình vào làm việc, thì cần thiết phải tiến hành xác minh độc lập bằng cách gọi điện thoại đến địa chỉ đó, hoặc nhờ người quen tại chỗ tìm hiểu hộ.

toi pham buon ban nguoi tiep can con moi nhu the nao
Không khí tại buổi chia sẻ rất sôi nổi khi cả diễn giả và học sinh đều có sự tương tác qua lại (Ảnh: NVCC).

Nên nhớ chỉ quyết định khi đã có đủ thông tin và có căn cứ để yên tâm. Còn khi không thể xác minh, hay thấy vẫn còn những điểm mơ hồ, chưa chắc chắn, thì hãy biết nói không với những viễn cảnh được vẽ ra trước mắt.

Cũng nên đề cao cảnh giác trước những lời mời gọi, rủ rê đi chơi, thăm quan tại các địa bàn giáp biên của những người lạ, kể cả là người trong họ hàng, nhưng đã rời xa quê hương nhiều năm và hiện không thể biết họ đang làm công việc gì. Nếu thấy không yên tâm thì nên từ chối ngay.

Quan trọng nhất là phải nói rõ dự định của mình cho nhiều người thân trong gia đình biết, và nên rủ những người mà mình tin tưởng cùng đi. Với những lời mời ra nước ngoài du lịch, tham quan, dự hội thảo, biểu diễn nghệ thuật…thì càng phải thận trọng hơn nữa.

Để phòng tránh rủi ro khi đi làm ăn xa, trước khi quyết định rời xa quê hương để đi tìm việc làm, bạn nên tìm hiểu những thông tin liên quan và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi vì điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.