Nói không thể khởi tố là thiếu trách nhiệm!
Xin ông cho biết tình trạng phá rừng nghiến ở KBTTN Phong Quang mà Việt Nam Mới phản ánh, Tổng cục Lâm nghiệp đã nắm được chưa?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Chúng tôi mới nhận được báo cáo của địa phương vào tuần trước. Theo báo cáo thì có 6 cây nghiến bị chặt, được lực lượng kiểm lâm phát hiện vào các ngày ¼, 6/4, 12/9 và 14/9. Trong đó hai vụ phát hiện trong tháng 4 đã được chuyển cho cơ quan điều tra, Công an huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) điều tra, xử lý. Hai vụ phát hiện trong tháng 9 đang trong quá trình xác minh đối tượng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp |
Theo điều tra của PV, những cây nghiến bị chặt phá đều tập trung tại Tiểu khu 117E của KBTTN Phong Quang, nhiều cây nằm ngay sát đường tuần tra của kiểm lâm địa bàn. Liệu có sự buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho lâm tặc của lực lượng được giao nhiệm vụ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Việc phá rừng xảy ra tại cùng một tiểu khu như thế, có sự tiếp tay hay buông lỏng quản lý hay không thì cần phải điều tra, làm rõ thì mới khẳng định được. Nhưng để xảy ra phá rừng tại một điểm với khối lượng gỗ quý nhiều như vậy là nghiêm trọng. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, thuộc về lực lượng bảo vệ rừng và đặc biệt là cán bộ bảo vệ rừng ở tiểu khu đó.
Với mức độ nghiêm trọng của vụ việc, quan điểm của ông cần phải xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Quan điểm của tôi là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến mức khởi tố thì phải khởi tố. Cần phải thấy rằng đây là rừng đặc dụng và gỗ trên đó đều là gỗ quý thuộc nhóm IIA nên so với quy định đât là vu việc rất nghiêm trọng. Nếu tính về số lượng, 8 cây nghiến bị chặt chưa phải là nhiều nhưng vấn đề là chỉ cần một cây bị chặt cũng ảnh hưởng tới cả một khu vực xung quanh, ảnh hưởng tới cả tính đa dạng sinh học của rừng đặc dụng.
Nghiến "cụ" bị "xẻ thịt", trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng |
Chủ rừng lý giải nguyên nhân không khởi tố vụ án là vì sợ nếu khởi tố sẽ không tìm ra thủ phạm như tiền lệ đã từng xảy ra tại KBTTN Phong Quang. Ông đánh giá thế nào về cách giải thích này?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Cách giải thích như vậy là không có trách nhiệm. Việc tìm ra thủ phạm hay không thì cũng cần phải khởi tố vụ án trước đã. Mỗi vụ án khác nhau đều có tính chất, tình tiết và phương pháp điều tra khác nhau. Không thể nói rằng không khởi tố vì các vụ khởi tố trước không làm được. Trả lời như thế là thiếu trách nhiệm và chưa hiểu rõ về bản chất vụ việc.
Chủ rừng kêu khó thì hãy nghỉ việc!
Ông khẳng định địa phương đã báo cáo về tình trạng phá rừng ở KBTTN Phong Quang từ tuần trước, vậy Tổng cục Lâm nghiệp đã có động thái xử lý như thế nào đối với vụ việc này, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang phải vào cuộc ngay lập tức. Tôi đã giao cho Chi cục Kiểm lâm Vùng I trực tiếp kiểm tra, rà soát và đôn đốc để khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
Mỗi cây gỗ nghiến bi chặt hạ như thế này có thể ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái của khu rừng |
Theo quy định, 5m3 gỗ bị thiệt hại trở lên là phải khởi tố. Ở đây lại có tới hơn 157m3 gỗ nghiến bị thiệt hại. Phải khởi tố để xác minh rõ ai là thủ phạm, ai là tòng phạm? Đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm của chủ rừng đến đâu nữa? Ông làm hết trách nhiệm mà vẫn không giữ được rừng hay ông buông lỏng quản lý, ông tiếp tay cho lâm tặc thì đều bị xử lý tùy theo mức độ sai phạm.
Tình trạng chặt phá, khai thác, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua diễn biến như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phá triển rừng, cụ thể là chặt phá, khai thác, mua bán trái phép lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian vừa qua là có xảy ra. Tuy nhiên, tính chất, mức độ nghiêm trọng của những vụ việc này không đến mức như những trường hợp ở các nơi khác như báo chí phản ánh.
Tình trạng phá rừng ở Hà Giang vẫn âm ỉ xảy ra trong nhiều năm qua |
Hiện nay, công tác bảo vệ rừng ở Hà Giang có một bất cập, cụ thể là ở ngay khu rừng đặc dụng Phong Quang. Đó là Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Phong Quang lại không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang mà trực thuộc BQLRĐD Phong Quang, mà ban quản lý này lại là chủ rừng. Cho nên nhiều vụ phá rừng, người ta phát hiện ra rồi nhưng không dám báo cáo vì sợ bị kỷ luật.
Ông với vai trò chủ rừng mà để mất rừng thì trách nhiệm thuộc về ông đã. Nếu ông báo cáo ra thì tự ông phải kỉ luật nên ông cứ giấu nhẹm đi. Chúng tôi cũng đang đề nghị trong thời gian tới nên để chủ rừng phụ trách công tác phát triển rừng, còn việc xử lý những vụ phá rừng phải để cho lực lượng kiểm lâm.
Tổng cục Kiểm lâm khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan đến vụ phá rừng ở KBTTN Phong Quang |
Lý giải về tình trạng phá rừng, chủ rừngPhong Quang kêu khó rằng do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, dân cư sống xen lấn trong vùng lõi của rừng nên khó quản lý. Ông đánh giá như thế nào về những lý do này?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Bây giờ chỉ có bằng đấy con người để bảo vệ rừng, chỉ có bằng đấy tiền chi cho công tác bảo vệ rừng thôi, nếu anh kêu khó, anh không làm được thì xin nghỉ đi. Lúc anh được đề bạt, được bổ nhiệm có thấy anh nói gì đâu.
Xin cảm ơn ông!