Tổng cục Môi trường: 'Bán kính 200 m quanh kho Rạng Đông không an toàn'

Chỉ số quan trắc môi trường sau đám cháy kho Rạng Đông cho thấy, phạm vi 200-500 m là vùng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, dưới 200 m là mất an toàn.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời VnExpress ngày 5/9 về kết quả quan trắc môi trường quanh nhà kho bị cháy tối 28/8 của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.

- Quá trình quan trắc môi trường vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Ngay sau vụ cháy, ngày 29/8, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để nắm bắt thông tin và đề nghị nếu cần hỗ trợ gì thì có ý kiến ngay. Ngày 30/8, Sở đề nghị chúng tôi cử lực lượng kỹ thuật để đánh giá hiện trạng, chất lượng môi trường cũng như lấy mẫu phân tích một số chỉ tiêu mà Hà Nội không làm được.

Tổng cục Môi trường: 'Bán kính 200 m quanh kho Rạng Đông không an toàn' - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường. (Ảnh: Gia Chính).

Trong hai ngày 30-31/8, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã kiểm tra 12 điểm chạy dọc bờ sông Tô Lịch 1,5 km, lấy hai mẫu ở hồ Hạ Đình và hồ Rẻ Quạt (phía Bắc của khu vực cháy), lấy mẫu đất quanh xưởng cháy về phía nhà dân và vườn hoa trong công ty.

Ngày 31/8, chúng tôi lấy thêm mẫu nước thải ở hố thu gom trước kho cháy. Đặc biệt, để xác định phạm vi ảnh hưởng thì phải quan trắc được chất lượng không khí, lượng thủy ngân rơi vãi.

Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được tham gia vào mạng lưới quan trắc phát thải thủy ngân của Mạng lưới môi trường Đông Á nên có trang thiết bị hiện đại nhất thế giới do Nhật Bản hỗ trợ.

Trong những ngày qua, chúng tôi đã làm việc liên tục, không nghỉ lễ, chia ca thực hiện với tinh thần nhanh nhất để có kết quả sớm nhất thông tin cho người dân. Đêm 3/9 rạng sáng 4/9 mới bắt đầu có kết quả, đến chiều 3/9 Bộ trưởng Trần Hồng Hà họp với các bộ ngành cũng mới có được một phần kết quả. Khi có kết quả chính thức, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và công bố với báo chí.

Video: Ông Hoàng Văn Thức giải thích về thời gian thực hiện quan trắc môi trường

- Kết quả quan trắc cho thấy mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào?

- Dựa trên kết quả phân tích, chúng tôi kết luận trong khoảng 200 m từ tường rào nhà máy có giá trị thủy ngân trong không khí nằm ở ngưỡng không an toàn như WHO khuyến cáo. Nếu so sánh với quy chuẩn Việt Nam thì không vượt, nhưng chúng tôi phải so sánh với thế giới để có nhìn nhận thực tiễn khách quan.

Ở khoảng cách này, chúng tôi đo được lượng thủy ngân trên 10 nanogram (ng) mỗi m3. Chỉ số của WHO từ 5 đến 10 ng/m3 thì nằm ở ngưỡng an toàn, con người sống được bình thường. Trên 10 ng/m3 thì bắt đầu bước vào ngưỡng mất an toàn về mặt sức khỏe (người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của độc tố).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo trong phạm vi 200-500 m (tính từ tường rào nhà kho) là vùng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trong nhà máy, ở trung tâm đám cháy (nhà kho) tồn dư nhiều hơi thủy ngân. Mẫu tại kho có hàm lượng thủy ngân vượt quy chuẩn chất lượng môi trường không khí Việt Nam trên 1 lần, theo ngưỡng của WHO là 30 lần. Phía trước nhà kho, không khí nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép của Việt Nam nhưng vượt ngưỡng WHO 10 đến 11 lần. Khu vực không khí trong kho cháy và trong khuôn viên nhà máy hàm lượng thủy ngân còn tương đối cao.

- Tổng cục Môi trường khuyến cáo những biện pháp cụ thể gì để khắc phục hậu quả về môi trường?

- Khu vực kho cháy rộng 6.000 m2, toàn bộ hiện trường đã niêm phong để điều tra. Trong buổi họp ngày 3/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công an Hà Nội khẩn trưởng triển khai việc điều tra để bàn giao hiện trường và tiến hành cô lập khu vực này.

Phía công ty phải che tôn, phủ bạt kín để phòng nước mưa rơi xuống không kiểm soát được, giảm phần phát tán hơi thủy ngân kim loại còn lại ra môi trường. Sau khi cô lập hiện trường, Tổng cục đề nghị Công ty phải tiến hành thu gom phế thải vật liệu, riêng về bóng đèn chứa thủy ngân hay tro được xác định là chất thải nguy hại sẽ được gom riêng, cho vào các container kín đưa đi xử .

Nền nhà kho phải được tẩy độc thủy ngân bởi đơn vị chuyên môn kỹ thuật cao, có đủ năng lực như trung tâm của Bộ Tư lệnh Hóa Học. Phương án có thể là phun rải bột lưu huỳnh trên nền để hấp thụ, sau đó hút toàn bộ bột để mang đi xử theo cách bê tông hóa chứ không được đốt.

Về lâu dài, các cơ sở kinh doanh sản xuất có chất độc hại lẫn trong khu dân cư thì cần phải đánh giá lại, xây dựng kế hoạch di dời. Ngành Công Thương các tỉnh, địa phương phải kiểm tra việc tuân thủ luật bảo vệ môi trường, luật an toàn hóa chất. Công ty không may xảy ra cháy phải báo cáo ngay nguy cơ cho chính quyền sở tại. Chính quyền cấp quận, huyện hay mức cao hơn là cấp tỉnh phải vào cuộc.

Tôi đánh giá việc thông tin cảnh báo như phường Hạ Đình đưa ra là rất khẩn trương và kịp thời.

- Từ kết quả quan trắc trên, chính quyền có nên sơ tán người dân ra khỏi khu vực này?

- Việc xác định ra mức độ ô nhiễm giúp cho các cơ quan quản nhà nước có giải pháp kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề nghị TP Hà Nội và Bộ Y tế thăm khám sức khỏe cho người dân sinh sống trong vành đai 500 m. Bộ Y tế đã bắt đầu khởi động chương trình này và tôi được biết sẽ điều tra lập danh sách cụ thể.

Ô nhiễm do vụ cháy này gây ra chưa phải ở mức độ quá nghiêm trọng, ảnh hưởng ở quy mô trung bình, ảnh hưởng môi trường không khí, nước mặt, trầm tích đáy sông Tô Lịch. Thực ra lượng thủy ngân phát tán ra không lớn, vùng ảnh hưởng chúng ta đã khoanh vùng được.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống trong phạm vi 500 m, tính từ tường rào nhà kho phải giữ gìn vệ sinh theo hướng dẫn của ngành y tế, nếu đi qua hiện trường đám cháy cần mang khẩu trang chống bụi, mặc quần áo dài tay. Sử dụng nước máy, không nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc tại khu vực trên.

Tuy nhiên, đây chưa phải là phải vụ việc nghiêm trọng đến mức phải di dân, sơ tán. Vụ cháy có phát tán hơi thủy ngân, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên đến các cơ sở y tế kiểm tra nồng độ thủy ngân trong máu để đảm bảo an toàn nhất.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.