Quận Thanh Xuân khẳng định không thu hồi văn bản khuyên sơ tán sau cháy Rạng Đông của phường Hạ Đình

Tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay, hơn 50 câu hỏi đã được đại diện các cơ quan báo chí đưa ra đối với cơ quan chức năng của Hà Nội xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến việc cung cấp thông tin về vụ cháy từ phía UBND quận Thanh Xuân.

Trả lời tại cuộc họp, bà Vương Thị Vân Khánh - Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận này đã thực hiện đầy đủ công tác thông tin tuyên truyền.

Untitled123

Bà Vương Thị Vân Khánh - Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Thanh Xuân trả lời báo chí. (Nguồn: Vnexpress)

Cụ thể, về chế độ thông tin với UBND TP, quận thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo đạo trực tiếp từ UBND TP để xử lí tình huống. Quận này đã ban hành 8 văn bản gửi các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.

Đối với báo chí, bà Khánh cho biết, quận đã cung cấp thông tin cho báo chí bằng cách đăng tải thông tin lên cổng thông tin điện tử của quận. Chánh Văn phòng HĐND, UBND quận Thanh Xuân khẳng định, những thông tin này được cập nhật chính thức từ cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, quận cũng chỉ đạo thường xuyên đối với hệ thống chính chị cấp phường, thông qua các đoàn thể để thông tin tới người dân. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng tổ chức hai hội nghị để tư vấn cho người dân.

Sau phần trả lời của bà Khánh, một nhà báo có mặt tại cuộc họp nói đến văn bản của UBND phường Hạ Đình hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường sau vụ cháy nhưng bị thu hồi và đặt câu hỏi với bà Khánh rằng: "Theo bà, văn bản này có thực sự cần thiết đối với người dân vào thời điểm đó hay không?".

Về vấn đề này, bà Khánh khẳng định quận Thanh Xuân không yêu cầu thu hồi văn bản nói trên. "UBND quận không có yêu cầu phường thu hồi văn bản này. Một số thông tin nói rằng quận yêu cầu xử lí cán bộ do ban hành văn bản này nhưng cũng không hề có việc đó," bà Khánh khẳng định.

Untitled1235

Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Thái Minh Tuấn (phải) cung cấp thông tin cho báo chí. (Nguồn: Vnexpress)

Cũng liên quan đến việc hủy bỏ văn bản hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau vụ cháy, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Thái Minh Tuấn cho biết, văn bản này là Thông báo số 112 được ban hành sáng 29/8 do bà Trần Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND phường kí. Tới chiều cùng ngày thì ông Tuấn kí văn bản thu hồi Thông báo số 112 do ban hành thu hồi không đúng thẩm quyền, chưa đủ cơ sở.

Ông Tuấn lí giải, theo qui định thì những vấn đề liên quan đến chính quyền từ hai địa phương trở lên thì văn bản do UBND cấp huyện trở lên ban hành.

Vụ cháy ở kho Công ty Rạng Đông thuộc địa giới hành chính của phường Thanh Xuân Trung. Vụ việc có liên quan đến nhiều phường. 

Thời điểm phường Hạ Đình ban hành Thông báo số 112 thì  chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng ô nhiễm. Phường chưa có cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân, nhất là việc tiêu hủy rau quả, thực phẩm, hay sơ tán trẻ em và người già. 

"Văn bản có ảnh hưởng lớn đết hoạt động sinh hoạt, buôn bán của người dân. Thậm chí, việc tiêu hủy rau quả nếu có thì còn đi liền với chính sách bồi thường. Việc thông báo sơ tán sẽ gây hoang mang. Nếu sơ tán thì không chỉ người người già trẻ em. Từ đó, phường đã thu hồi Thông báo do Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Liên đã kí," ông Tuấn nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, tới ngày 31/8, Bộ TN&MT đã có thông tin khuyến cáo đối với người dân và cũng không có nội dung tiêu hủy thực phẩm, rau quả và sơ tán người dân.

"Như Chánh Văn phòng HĐND, UBND quận đã nói, chúng tôi không nhận được bất kì văn bản nào từ quận về việc yêu cầu kỉ luật hay kiểm điểm cán bộ," ông Tuấn cũng nêu rõ.

Sau phần trả lời của ông Tuấn, một nhà báo đặt hai câu hỏi: Thứ nhất, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Liên khi kí Thông báo số 112 có xin ý kiến của Chủ tịch UBND phường hay không? Thứ hai, với trách nhiệm với người dân, nếu chúng ta không trao đổi với người dân để người dân biết cách phòng tránh mà phải chờ thẩm quyền, vậy giả sử trường hợp này mức độ ô nhiễm không an toàn thì sao?

Về các câu hỏi này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, UBND phường là cơ quan chính quyền nên cũng phải thực hiện theo luật. Thứ hai, còn có các cơ quan khác, chứ không chỉ có cơ quan cấp phường, xã thực hiện nhiệm vụ này. Ông Phong đề nghị Chủ tịch UBND phường Hạ Đình cung cấp văn bản thông tin về vụ việc để báo chí tiếp cận cụ thể hơn.

Về vấn đề hiện trên địa bàn phường Hạ Đình còn bao nhiêu hộ dân đi sơ tán chưa trở về, ông Thái Minh Tuấn cho biết, phường hiện có 15 hộ với 41 nhân khẩu vắng mặt (trên tổng số 5.700 hộ, hơn 18.000 nhân khẩu).

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình đã phát đi văn bản hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp bảo vệ sức khỏe sau vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Tại thông báo này, phường Hạ Đình khuyến cáo người dân sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.

Phường này khuyên người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày; đồng thời tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500 m, nếu trồng tiếp nên thay đất, dung dịch thủy canh mới đảm bảo không bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, hôm sau 30/9 thì xuất hiện thông tin văn bản nói trên đã bị thu hồi.

Tới ngày 31/9, Bộ TN&MT có thông tin khuyến cáo đối với người dân, trong đó có nhiều nội dung khuyến cáo gần giống với văn bản của UBND phường Hạ Đình.

Tại cuộc họp báo thường kì tháng 8 của Chính phủ diễn ra chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã thông tin liên quan đến kết quả quan trắc môi trường xung quanh đám cháy Công ty Rạng Đông.

Theo đó, ước tính đã có khoảng 15,1 - 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau đám cháy. Kết quả phân tích, so sánh nồng độ thủy ngân so với qui chuẩn Việt Nam hiện hành từ các mẫu quan trắc như sau:

- Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt qui chuẩn 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả nước thải của Công ty Rạng Đông ở ngõ 320 Khương Đình khoảng 1,5km.

- 1/8 mẫu nước thải có giá chỉ vượt qui chuẩn 2,76 lần tại điểm quan trắc hố ga, khu vực đèn Led của công ty.

- 12/13 mẫu trầm tích - bùn đáy có giá trị thủy ngân vượt tiêu chuẩn 6,1 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách ngõ 320 Khương Đình 1 km.

- 1/6 mẫu không khí có giá trị thủy ngân vượt tiêu chuẩn 1.02 lần ở điểm quan trắc trong khuôn viên bị cháy của công ty.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, từ các kết quả quan trắc sau sự cố, cho thấy phạm vi, vùng có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân trong bán kính đến 500 m tính từ hàng rào của kho Công ty Rạng Đông.

"Cần khuyến cáo người dân trong vùng bán kính 500 m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm để bảo vệ sức khỏe. Tổ chức chế độ theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kì. Công bố thông tin và kết quả kiểm tra nhiễm độc với chiến sĩ phòng cháy", Thứ trưởng Nhân nói.



chọn
Tiến độ đường ven biển Nghệ An hơn 4.600 tỷ đồng
Theo kế hoạch, đường ven viển Nghệ An (Nghi Sơn - Cửa Lò) sẽ thi công nền đường xong trước ngày 30/4/2025; thi công móng, mặt đường xong trước ngày 30/6/2025; hoàn thành bàn giao dự án trước tháng 9/2025.