Tổng Giám đốc CII xác định không làm gì năm nay, chỉ 'nằm im thu tiền'

Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình cho biết, đến cuối năm 2022 vừa rồi, CII "chỉ còn có một cái việc là ngồi thu tiền".

Theo kế hoạch, sáng nay (26/4), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, song đã hủy do không đủ cổ đông dự họp. 

Song, Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình đã có những chia sẻ về tình hình kinh doanh năm 2022 và định hướng năm 2023 của doanh nghiệp. 

"Năm 2022, chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng, trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác đang bị bao phủ bởi câu chuyện tín dụng, câu chuyện vay vốn, câu chuyện dòng tiền, câu chuyện vướng mắc về pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

Cuối năm 2022 vừa rồi là mức cao điểm nhất và quý I/2023 vừa rồi là mức khủng hoảng nhất. CII của chúng ta vẫn hoạt động bình thường và ổn định. Một điểm cộng tuyệt vời của chúng ta xảy ra vào ngày 2/3/2023 vừa rồi đó là chúng ta đã thanh toán đúng hạn 2.000 tỷ trái phiếu", ông Bình nhận xét.

 Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII. (Ảnh: CII). 

Ông Bình nói thêm: "Giữa 2021, chúng tôi đã dự báo sẽ có khủng hoảng, dựa trên các yếu tố về kinh tế, chính trị, về thị trường, đặc biệt là sau Covid-19 mà thị trường vẫn hùng hùng hổ hổ như thế, có nghĩa là có vấn đề. Cho nên HĐQT đã họp và trình ĐHĐCĐ dừng đầu tư mới các dự án, bắt đầu từ giữa 2021, tập trung mọi nguồn lực đưa các dự án đang đầu tư về đích, khai thác. 

Với một phương châm như thế, trong hai năm 2021 - 2022, chúng ta đổ hơn 10.000 tỷ hoàn thành Xa lộ Hà Nội, hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hoàn thành tòa nhà 152 Điện Biên Phủ, hoàn thành dự án D'Verano, hoàn thành dự án Diamond Riverside, hoàn thành dự án căn hộ ở 152 Điện Biên Phủ, hoàn thành The River. 

Tổng vốn đầu tư các dự án tôi vừa nói là hơn 20.000 tỷ. Và khi chúng ta tập trung hết nguồn lực vào các dự án đó, đến cuối năm 2022 vừa rồi, chúng ta chỉ còn có một cái việc là ngồi thu tiền. Trong khi bao nhiêu người khốn khổ thì CII chúng ta chỉ có ngồi thu tiền thôi." 

Ông Bình cũng cho biết, theo doanh số công ty thống kê được trong quý I/2023, mỗi ngày công ty sẽ có doanh thu đầu vào khoảng 7 tỷ đồng/ngày. 

Về kế hoạch năm 2023, ông Bình nói: "Vậy thì trong năm 2023 CII sẽ làm gì? Báo cáo với quý cổ đông, tiếp tục nằm im, không làm gì cả. Làm gì bây giờ, tiền ra chỉ có "chết", không tắc chỗ này thì tắc chỗ khác.

Một điều báo cáo với quý cổ đông là chúng ta chỉ tắc trong tổng tài sản của CII.

Nếu hợp nhất hết toàn bộ là khoảng 40.000 tỷ. Trên báo cáo tài chính là 29.000 tỷ, nhưng chúng ta còn khoản đầu tư 12.600 tỷ dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa hợp nhất vào báo cáo tài chính. Chúng ta sẽ hợp nhất vào quý III, như vậy tổng tài sản hơn 40.000 tỷ, trong đó số dư trong bất động sản chứa khoảng 2.000 tỷ, có nghĩa là chưa qua 5%."

 Danh mục dự án bất động sản của CII tại tài liệu họp ĐHĐCĐ 2022. (Ảnh: HM). 

Theo ông Bình, số dư đó là tiền mua đất, tại TP HCM, CII có 17 ha đất sạch, tại Bình Thuận, CII có 123 ha đất sạch và tại Quảng Ngãi còn khoảng 20 ha đất sạch. Ông Bình cũng khẳng định, công ty không bị áp lực về tiền, về khả năng tiêu thụ mà áp lực đến từ pháp lý.

Do đó, trong năm 2023, CII sẽ tập trung vào vấn đề pháp lý, duy trì hiệu quả dự án BOT giao thông, thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn. Đến năm 2024 mới đầu tư dự án mới trở lại. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.