Tổng giám đốc VCCorp: Cần coi nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm

Đây là lời phát biểu của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp trong buổi sáng ngày hôm nay tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội.
Tổng giám đốc VCCorp: Cần coi nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm - Ảnh 1.

Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp trình bày tham luận. (Ảnh: VnExpress).

"Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại?"

Ông Nguyễn Thế Tân đã đặt ra câu hỏi trên khi nhìn vào thực trạng khung pháp lí và cơ chế cho các doanh nghiệp công nghệ hoạt động ở Việt Nam. Theo ông Tân, nhiều doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ không phải không làm được mà là không dám làm. 

Vị CEO này khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G... Trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác.

Ông Tân cũng nhấn mạnh, hiện tại các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới đang chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các công ty như Google, Facebook, Tencen,...tạm gọi là những nhóm gần Facebook. Nhóm này tạo ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới.

Nhóm thứ hai như Grab, Uber, Alibaba, Amazon... là những doanh nghiệp dựa trên công nghệ mới để giải quyết những vấn đề cũ. Với việc phân loại trên, CEO VCCorp nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên. Trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế. 

Ông đặt ra câu hỏi: Nhà nước cần xem xét thu thuế để thu thật nhiều tiền hay để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển? Chính phủ cũng cần xem lại các chính sách thuế của mình, bởi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Google, Facebook hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng nhiều năm liền không đóng một đồng thuế nào, trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa như VCCorp mỗi năm phải đóng từ 15-20% thu nhập thuế. 

Ông Nguyễn Thế Tân đưa ra đề xuất, Chính phủ cần có nhiều cơ chế hỗ trợ cái mới, bao gồm coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế sanbox, cho phép thử nghiệm các lĩnh vực mới chưa có tiền lệ trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, không bị ràng buộc bởi các cơ chế. Trong nhiều bài tham luận diễn ra trong hội nghị sáng nay, nhiều diễn giả cũng đồng ý tạo ra một đặc khu công nghệ, cho phép thử nghiệm những công nghệ mới trước khi đưa vào thực tế. 

Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và gần 1.000 đại diện Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ và công ty khởi nghiệp hàng đầu.

Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Saigontourist, MobiFone, MK Group.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.