Tổng Kiểm toán: Kiểm tra 100 doanh nghiệp thì 98 đơn vị trốn thuế

Ông Hồ Đức Phớc cho biết Kiểm toán Nhà nước không nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan và nhiều doanh nghiệp còn cố tình cung cấp tài liệu sai. - VnExpress Kinh Doanh

Sáng 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, thực tế kiểm toán những năm qua phát hiện các vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân liên quan.

Ông đơn cử, mỗi năm đối chiếu thuế Kiểm toán nhà nước kiến nghị thu về khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhưng thực tế hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn. "Kiểm tra thuế trong 100 doanh nghiệp thì 98 đơn vị có thất thu, trốn thuế, nhưng khi làm việc kiểm toán nhà nước không thể tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp mà phải thông qua cơ quan thuế. Thuế thì miễn cưỡng không muốn cho kiểm toán vào vì e ngại bị khui ra những sai phạm", ông Phớc nêu thực tế.

Ngoài ra, có chuyện đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật như một số tờ khai hải quan có hiện tượng tẩy xóa giá trị lô hàng. Do đó, khi sử dụng tài liệu này, Kiểm toán Nhà nước không thể so sánh, đánh giá chính xác giá trị của lô hàng giữa giá nhập và giá bán nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.

tong kiem toan kiem tra 100 doanh nghiep thi 98 don vi tron thue

Ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng, hoạt động kiểm toán gặp nhiều khó khăn do các đơn vị liên quan không chịu phối hợp. Ảnh: Quốc hội

Nguyên nhân được Tổng kiểm toán Nhà nước chỉ ra, là hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính để xóa bỏ “khoảng trống pháp luật” nói trên.

Ngoài đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán, theo quy định của Dự thảo, Tổng kiểm toán Nhà nước, trưởng các đơn vị kiểm toán ... còn được ra quyết định xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán. Mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu với tổ chức...

Chia sẻ với khó khăn thực tế Kiểm toán Nhà nước gặp phải, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, thực tế có hiện tượng đối tượng kiểm toán dùng mọi thủ đoạn để cản trở hoạt động Kiểm toán Nhà nước. "Bây giờ Kiểm toán Nhà nước muốn bằng quy định nào đó để thiết lập lại trật tự này, đảm bảo kết quả kiểm toán, thanh tra không bị trùng lặp, tránh chuyện một năm doanh nghiệp phải đón vài ba đoàn thanh tra, kiểm toán", ông Lưu nói. Đồng thời, ông cũng nêu quan điểm, cơ quan thường trực Quốc hội không thể ban hành Nghị quyết như đề xuất của Kiểm toán Nhà nước do những đề xuất này thuộc phạm vi của luật.

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga, một số quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước gây nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm toán. Những vướng mắc này không phải do thay đổi của một số luật liên quan mới đây hay thực tiễn phát sinh, mà do khi trình, làm Luật Kiểm toán không kỹ. Thực tế chấp hành kết luận kiến nghị kiểm toán chỉ đạt 60-65%. "Phải nhìn thẳng sự thật những quy định của Luật Kiểm toán 2015 rất khó cho kiểm toán làm việc", bà nói và đề nghị thay vì ban hành Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội nên sửa Luật Kiểm toán vào năm 2019.

"Bác" quan điểm của bà Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 không có gì gây vướng mắc, sai sót. "Thực ra Kiểm toán Nhà nước cần quyền mạnh hơn nên đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán và quyền xử phạt hành chính. Những đề xuất này do liên quan tới quyền tài sản công dân, nên phải được quy định bằng luật chứ không phải Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Kim Ngân khẳng định.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình, cơ bản Luật Kiểm toán Nhà nước không có gì vướng mắc, 2 vấn đề Kiểm toán Nhà nước muốn mở rộng lại không nằm trong phạm vi của Luật.

"Việc cụ thể hoá tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán thuận lợi hơn là cần thiết, nhưng thời điểm này chưa thể ban hành Nghị quyết theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước", ông Hiển nói. Như vậy,

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ không ban hành Nghị quyết riêng, giao

Kiểm toán Nhà nước tổng kết, rà soát lại nội dung luật hiện hành, vấn đề nào vướng mắc trình Quốc hội sửa luật vào năm 2019.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.