Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, Top 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2021 dẫn đầu là ba ông lớn Vinhomes, Novaland và Tập đoàn Ecopark. Đây cũng là những doanh nghiệp xây dựng được uy tín trên truyền thông tốt nhất.
Vietnam Report đã đánh giá uy tín của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thông qua sự hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến hết tháng 1/2021.
Theo đó, gần 54,4% số doanh nghiệp được nghiên cứu có tần suất xuất hiện trung bình 1 lần/ tuần, trong đó Vinhomes là doanh nghiệp có số lượng đơn vị thông tin được mã hóa cao nhất. Xét về độ đa dạng hình ảnh trên truyền thông, 65,82% số doanh nghiệp đạt 10/24 nhóm chủ đề bao phủ, cao nhất là Novaland với 21/24 nhóm.
Theo đánh giá của Vietnam Report, bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn trong năm 2021. Những cái tên dẫn đầu ngành này phải kể đến Tổng công ty Becamex, VSIP, Sonadezi hay Viglacera...
Xa hơn, trong 2-3 năm tới, Vietnam Report cho rằng khu công nghiệp vẫn có tiềm năng tốt khi mà một số nhà đầu tư tại Trung Quốc và các quốc gia khác đang có những kế hoạch di dời công xưởng sản xuất của họ vào Việt Nam: "Thị trường khu công nghiệp chính là miếng đất màu mỡ mà ai cũng mong muốn đầu tư"
Tuy nhiên ,để có thể đầu tư được bất động sản công nghiệp vào thời điểm này không phải dễ dàng vì liên quan đến quy hoạch khu công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Danh sắc cuối cùng Vietnam Report công bố là các đơn vị môi giới bất động sản top đầu thị trường. Trong đó, CenLand, Hưng Thịnh Land và Đất Xanh Miền Bắc là những cái tên dẫn trước.
Bảng xếp hạng được Vietnam Report xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 2 và 3 năm 2021.
Theo Vietnam Report, thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn, đầy biến động với nhiều màu xám khi hầu hết các loại hình bất động sản đều chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong tất cả các phân khúc, bất động sản bán lẻ, khách sạn và bất động sản du lịch là phân khúc bị tác động mạnh nhất.
Tại các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, bất động sản du lịch xuống ở mức rất thấp. Các phân khúc văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết đến quý IV/2020, có 295 dự án, với 125.449 căn hộ được cấp phép; du lịch nghỉ dưỡng có 49 dự án, với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép trong cả nước.
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong nửa cuối năm 2020, đã có 74.500 sản phẩm giao dịch thành công, tương đương 50% giao dịch thành công của năm 2019.
Năm 2020, ngành bất động sản tăng trưởng 0,31% so với năm 2019, và đóng góp 4,42% GDP cả nước. Trong đó, nổi bật là phân khúc bất động sản công nghiệp và phân khúc nhà ở. Việc thu hút tốt dòng vốn FDI và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam, chẳng hạn như ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… đều có sự phát triển khá sôi động vào những tháng cuối năm.
Trong khi đó, thị trường thuê suy giảm trên tất cả phương diện, cả về nhà ở, condotel, officetel, du lịch nghỉ dưỡng…, thậm chí có thể nói là đóng băng.
Với một bức tranh phân mảng theo giai đoạn và theo phân khúc trong năm 2020, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản có sự phân hóa mạnh, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ và không có tài chính để duy trì hoạt động.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có đến 978 doanh nghiệp phải giải thể. Trong khi đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu, thay đổi chiến lược đầu tư, qua đó vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí lãi kỷ lục.