TP HCM giải ngân 10.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 25% kế hoạch năm nay

Đến ngày 23/9, TP HCM đã giải ngân được gần 10.900 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25% mức kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

 Một góc TP HCM hiện nay. (Ảnh: Hải Quân)

Theo Báo Chính phủ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào ngày 26/9, lãnh đạo TP HCM cho biết, đến ngày 23/9, TP HCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%. 

Năm nay, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn cho TP HCM gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm và tăng lên khoảng 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TP HCM là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, thành phố phải bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.

Trong năm nay, HĐND TP HCM cân đối nguồn thu, bảo đảm chi được 42.508 tỷ đồng. Trong số này, có 4.478 tỷ đồng là khoản bội chi ngân sách từ nguồn vay nước ngoài nhưng nhiệm vụ chi chưa rõ.

Do vậy, lãnh đạo TP HCM kiến nghị điều chỉnh giảm thêm khoản này, khi đó TP HCM chỉ còn chi 37.997 tỷ đồng và là con số thống nhất để tính tỷ lệ giải ngân. Như vậy, so với tổng vốn được Thủ tướng giao ban đầu, nguồn vốn đầu tư công mới của TP HCM giảm khoảng 16.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm mà TP HCM nêu ra đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP Thủ Đức và một số quận huyện. Dự kiến đến tháng 10 sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.

Một nguyên nhân nữa, đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Lãnh đạo TP HCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo TP HCM cho biết, Thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề, rà soát từng dự án, làm việc, tổ chức giao ban định kỳ với từng chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Nhiều dự án khả năng đến cuối tháng 11, tháng 12 năm nay giải ngân đạt kế hoạch.

Dự kiến đầu tháng 10, HĐND sẽ có buổi họp chuyên đề để thực hiện đối với các nội dung có thể điều chỉnh vốn trong địa bàn thành phố.

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...