Tại buổi họp tổng kết tình hình giao thông năm 2019 cùng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nói rằng vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, khép kín đường Vành đai 2; riêng Vành đai 3, TP đặc biệt cần hỗ trợ của trung ương trong việc đầu tư xây dựng.
Quy hoạch đường Vành đai 2 tại TP HCM chiều dài hơn 64 km, quy mô từ 6 - 10 làn xe nhưng hiện còn dở dang bởi nhiều phân đoạn chưa được đầu tư xây dựng. Tuyến đường này hiện đã đầu tư được khoảng 54 km với bề rộng trung bình 35 m và còn khoảng 11 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn khác nhau. Trong đó, hiện chỉ đoạn 3 - từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài khoảng 2,7 km - đang thi công. Những đoạn còn lại vẫn ngổn ngang.
Đoạn 3 khởi công tháng 12/2017, tuy nhiên tính đến cuối năm 2019, tổng khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 42%. Trong khi đó, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng ở mức 64%, với diện tích mặt bằng bàn giao thi công khoảng 54%. Đoạn này được đầu tư xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và theo Sở GTVT, Sở Tư pháp đang rà soát pháp lí thực hiện hợp đồng cho dự án này, trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm các thủ tục thanh toán quỹ đất.
Đường Phạm Văn Đồng, một trong những tuyến thuộc đường Vành đai 2, đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc giảm áp lực giao thông ở khu vực phía Đông TP HCM. (Ảnh: XUÂN GIANG)
Trước đây, nhiều phân đoạn của đường Vành đai 2 được đưa vào danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có các hợp đồng như BT, BOT... Tuy nhiên, một khó khăn lớn trong việc đầu tư khép kín những phân đoạn còn lại là xác lập phương án tài chính cho dự án. Việc đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách như với hình thức BOT, dù phù hợp với tuyến đường làm mới nhưng trạm thu phí lại không được đặt quá gần trạm khác, nguồn thu cũng phải phù hợp với chi phí đầu tư. Còn đầu tư theo hình thức BT thì phải đủ quỹ đất có giá trị phù hợp với chi phí đầu tư để thanh toán. Tuy nhiên, thực tế quỹ đất trên địa bàn TP hiện không có nhiều, dẫn đến việc cân đối phương án tài chính của dự án là bài toán khó. Chưa kể hiện nay, việc đầu tư theo hình thức BT đang được rà soát, xây dựng lại quy trình thực hiện, dẫn đến chưa thể triển khai.
Trước vấn đề trên, với 3 đoạn còn lại của đường Vành đai 2, hiện UBND TP đã chỉ đạo lập, thông qua chủ trương đầu tư công, sử dụng ngân sách chuẩn bị đầu tư. Trong đó, với đoạn 1 và 2, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đang phối hợp với chính quyền các quận, huyện và các bên liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu tỉ lệ 1/2.000 tại các đoạn có ảnh hưởng. Theo Sở GTVT, sau khi hoàn chỉnh công tác điều chỉnh quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm định, tham mưu UBND TP trình Thành ủy, HĐND TP thông qua theo đúng quy định. Việc này dự kiến thực hiện trong quý I, II/2020. Riêng đoạn 4 (từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) cũng được TP chủ trương thực hiện đầu tư công, sử dụng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tương tự, dự án Vành đai 3 hiện đặc biệt nan giải dù tuyến đường này được đánh giá mang tính "chiến lược", tạo liên kết vùng. Quy hoạch đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km sẽ làm mới. Tuyến đường này đi qua địa phận TP HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự án được chia làm 4 đoạn, trong đó hiện chỉ có đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn) dài 16,3 km, trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác. Trong khi đó, những đoạn qua TP HCM vẫn ngổn ngang, chưa được đầu tư.
Hiện nay, trước yêu cầu cấp bách, theo Sở GTVT, các công tác chuẩn bị bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn TP đang gấp rút triển khai. Trong đó, với dự án thành phần 1A (từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn góp ý khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. HĐND TP cũng thông qua việc điều chỉnh diện tích giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A từ 32,48 ha lên 37,68 ha. UBND quận 9 đang rà soát báo cáo các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư công dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án thành phần này.
Trục Quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội, một trong những tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông TP HCM thường xuyên kẹt xe nên việc đầu tư các tuyến Vành đai 2 và 3 là rất cấp bách. (Ảnh: XUÂN GIANG)
Đối với dự án thành phần 1B (từ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội), Sở GTVT cho biết Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lí dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lí dự án) đang lựa chọn nhà đầu tư. Còn đối với đoạn 3 và 4 (Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 - Bến Lức), Bộ GTVT đã trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, sau khi có chủ trương sẽ triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Theo ông Trần Quang Lâm, với dự án này, Sở GTVT đang chủ động theo dõi, phối hợp chặt với các cơ quan chức năng liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Trong đó, TP đang phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và cơ cấu vốn.
Cần làm gấp đường cao tốc theo quy hoạch
Ông Trần Quang Lâm cho biết tại TP HCM hiện chỉ có 2 đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, cả 2 tuyến đường này đều đang trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP với vai trò trung tâm kinh tế phía Nam.
Trước vấn đề này, TP HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sớm xem xét nghiên cứu, đầu tư các đường cao tốc khác theo quy hoạch. Cụ thể như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đặc biệt, để chuẩn bị cho việc kết nối sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), ông Trần Quang Lâm cho rằng cần có kế hoạch ưu tiên đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm.