Tại hội nghị tổng kết năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 của ngành đường sắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cho biết: Năm 2019, Tổng công ty đạt sản lượng hơn 8.400 tỉ đồng, doanh thu gần 8.200 tỉ đồng, thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/tháng.
Các công ty cổ phần vận tải đã chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn hàng và cho ra một số sản phẩm dịch vụ mới như tàu hàng container nhanh, tàu container lạnh, vận chuyển hàng lẻ từ nhà đến ga…
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh thừa nhận, sản lượng và doanh thu duy trì được ở mức bằng so với cùng kì nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch, vận tải hành khách có hệ số sử dụng chỗ thấp và giảm so với cùng kì.
Theo ông Minh, nguyên nhân là do còn những vướng mắc về cơ chế chính sách trong lĩnh vực khai thác, vướng mắc về kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lí sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản suất kinh doanh.
Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt.
Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Trong khi, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế nên một số điểm hạn chế tải trọng chưa được giải quyết; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chỉ đạt có 40% gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt...
Theo ông Minh, đường sắt có kết cấu hạ tầng và nhà ga đều của Nhà nước tồn tại trong suốt nhiều năm qua nên tổng công ty không thể bỏ tiền để sửa nhà ga. Đơn cử như hệ thống cầu đường ở ga Sông Lũy, chỉ cần khoảng hơn 30 tỉ đồng sửa chữa và chỉ một năm sau đó sẽ thu về cả trăm tỉ đồng nhưng không thể triển khai do do vướng cơ chế.
“Cả thế giới đều thấy rằng đường sắt là ngành cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng với nước ta còn khó khăn và hạn chế. Khó khăn ở đây chính là con người sinh ra cơ chế, chứ không phải cơ chế sinh ra con người,” ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt là sự thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội.
Với việc Luật đường sắt sửa đổi năm 2017, ông Minh tin tưởng ngành đường sắt sẽ mở ra cơ hội tốt tháo gỡ bất cập về các cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận, để thay đổi được không phải một sớm, một chiều mà cần thời gian và lộ trình tổng thể trên tinh thần đoàn kết, kiên trì tiếp tục nỗ lực hơn nữa…
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch UB Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu thực trạng, khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt là công tác quản trị, cạnh tranh các ngành, điều kiện cơ sở để có khả năng phát triển còn hạn chế. Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé.
Bà Hà cho biết, UB đã làm việc với VNR đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và mong muốn bộ, ngành, hỗ trợ Tổng công ty sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh trạnh, xây dựng chiến lược phát triển ngành.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020