Nguyên nhân được xác định do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, kết hợp với độ ẩm không khí cao gây tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa.
Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đã có kết luận về tình trạng sương mù ô nhiễm trong những ngày qua. Theo đó, nguyên nhân được xác định do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, kết hợp với độ ẩm không khí cao gây tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa. Những tòa nhà ở TP HCM chìm trong màn sương mù ngày 20/9. (Ảnh: Trường Nguyên)
Bên cạnh đó, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân…) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được khiến cho lớp mù này càng dày đặc, lâu tan.
Theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường, hiện tượng này thường xảy ra định kì khoảng 6 - 7 ngày trong tháng 9, tháng 10 hàng năm. Đây là thời điểm gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt trong phạm vi nội thành dẫn đến sự hình thành mù quang hóa.Lãnh đạo trung tâm này cho biết, trong 5 năm gần đây, hiện tượng mù quang hóa xảy ra khá thường xuyên. Trong điều kiện hiện nay chỉ thực hiện quan trắc thủ công gián đoạn và chưa thể chia sẻ dữ liệu và báo cáo tình hình diễn ra nghịch nhiệt từ các cơ quan khí tượng nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.
Trước đó, theo một số chuyên gia, hiện trạng ô nhiễm không khí ở TP HCM và nhiều tỉnh thành miền Nam chính là do vụ cháy rừng ở Indonesia ngày 18/9 góp phần gây ra.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Quan trắc TP HCM, qua tìm hiểu về tình hình phát tán khói mù do cháy rừng ở Indonesia từ ngày 1/9 - 23/9 do Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (AMSC) thực hiện và thông tin do Đài KTTV Khu vực Nam bộ cung cấp về việc chưa ghi nhận được hiện tượng mù tại các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu và Côn Đảo. Do đó, khả năng đây không phải là nguyên nhân chính cho hiện tượng mù quang hóa diễn ra trong những ngày gần đây.