TP HCM sẽ có hệ thống quan trắc môi trường 500 tỉ đồng

Hệ thống quan trắc tự động với thiết bị hiện đại của các nước G7, tổng đầu tư 495 tỉ, sẽ luôn cập nhật chỉ số về môi trường giúp nghiên cứu, cảnh báo cho người dân.

Hạng mục đầu tư này nằm trong đề án Phát triển tổng thể mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thực hiện.

"TP HCM là địa phương đầu tiên có đề án mang tính chất tổng thể, quy mô lớn, đánh giá tất cả thành phần về quan trắc môi trường", ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm Quan trắc TNMT, Sở TNMT) nói và cho biết đề án trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và sẽ trình cơ quan thẩm quyền lập hội đồng thẩm định, trước khi trình HĐND thành phố duyệt.

Theo đề án, có ba thành phần được quan trắc tự động gồm: không khí, nước (gồm nước mặt, nước ngầm) và lún. Tất cả dữ liệu quan trắc sẽ được gửi về trung tâm điều hành. Từ các chỉ số hệ thống quan trắc tự động thu thập được, Sở TNMT sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra dự báo, xây dựng kế hoạch quan trắc, phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như cảnh báo đến người dân.

TP HCM sẽ có hệ thống quan trắc môi trường 500 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ông Cao Tung Sơn. (Ảnh: Hữu Công).

Đối với không khí, Sở TNMT đang lắp đặt thí điểm hai trạm quan trắc không khí tự động ở cửa ngõ phía Đông (Khu Công nghệ cao) và phía Tây (Phòng giáo dục quận Bình Tân). Cứ 5 phút trạm cho dữ liệu một lần, hoạt động liên tục và độ chính xác cao. Dữ liệu liên tục này có thể tính được AQI - một chỉ số quan trọng của chất lượng không khí, điều mà phương pháp thủ công gián đoạn lâu nay Sở TNMT không thực hiện được.

Hai trạm này đang trong giai đoạn đánh giá, kiểm tra thiết bị và sẽ sớm đi vào hoạt động. Đến năm 2030, thành phố sẽ lắp đặt thêm 16 trạm ở các giao lộ lớn, khu dân cư, khu công nghiệp tại các quận huyện.

"Khi đó, tần suất quan trắc của TP HCM có thể gấp 5 lần so với tần suất tối thiểu theo quy định của Bộ TNMT vì tần suất quan trắc càng nhiều, chi phí càng cao", ông Sơn nói. Mỗi địa phương tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng tài chính để xác định tần suất quan trắc, thể hiện được bức tranh tổng thể môi trường của địa phương. Điều này giúp TP HCM hoạch định chính sách, đưa ra các chỉ tiêu môi trường trước tình hình thực tế.

Để giám sát chất lượng nước mặt, đề án của Sở TNMT xác định quan trắc tại các vị trí sông và 5 hệ thống kênh rạch trong nội ô thành phố. Dự kiến có hai trạm quan trắc nước thải sông Sài Gòn ở hạ nguồn trạm Phú An (bến Bạch Đằng, quận 1) và thượng nguồn ở trạm Trung An (huyện Củ Chi). Việc này nhằm đánh giá toàn diện tác động từ dân cư, sản xuất của con người lên hệ thống kênh rạch, sông của thành phố.

Về vấn đề lún, việc quan trắc sẽ sử dụng các thiết bị thuật cao khoan sâu xuống để xác định tầng lún, nguyên nhân lún. TP HCM nằm trên đới đứt gãy nên việc xác định lún phải được đánh giá theo chuỗi thời gian dài.

TP HCM sẽ có hệ thống quan trắc môi trường 500 tỉ đồng - Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí ở Sài Gòn ngày càng tăng do khí thải từ 10 triệu xe máy, ôtô; nhà xưởng; xây dựng. (Ảnh minh hoạ: Duy Trần).

Theo ông Cao Tung Sơn, muốn biết các chỉ số môi trường tăng, giảm bao nhiêu cần có định lượng và thiết lập việc tính toán. Việc đầu tư thiết bị hiện đại, giải pháp mang tính công trình thuật, sẽ thực hiện việc đánh giá, đưa ra các chỉ số nhanh, chính xác hơn.

"Điều này sẽ là cơ sở để người dân có thể cập nhật được các thông tin về môi trường tự động, liên tục, có được các dự báo về môi trường thông qua các phần mềm, app hoạt động tương tự Air Visual, PamAir", ông Sơn nói.

Việc quan trắc môi trường tại TP HCM triển khai từ năm 1993, khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Thành phố đã thiết lập mạng lưới quan trắc về môi trường, trong đó lồng ghép một số chương trình quan trắc của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nay là Bộ Tài nguyên Môi trường vào mạng lưới quan trắc quốc gia.

Hiện, TP HCM có 30 trạm quan trắc không khí thủ công, gián đoạn. Phương pháp này mất rất nhiều thời gian vì phải trải qua quá trình lấy mẫu, phân tích mẫu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.