TP Hồ Chí Minh kiến tạo lợi thế mới thu hút các nhà đầu tư chiến lược - Bài 2: Giải mã nguyên nhân

Các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới đang đối diện nhiều thách thức lớn, tác động trực tiếp đến xu hướng đầu tư vào Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Bên cạnh đó, các nguồn lực vốn có của TP Hồ Chí Minh cũng đã đến giai đoạn "quá độ" và giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mới.

Lợi thế vơi dần

Các khu chế xuất, khu công nghiệp từng được xem là "tụ" hút các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo của TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết: Vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tỷ trọng 45% tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Bình quân hàng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (có năm đạt từ 550-600 triệu USD), chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hà, 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh hiện đã lấp đầy trên 80%. Một số khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động được một nửa chu kỳ hoạt động, đến năm 2041 và một số năm tiếp theo, sẽ có một số khu chế xuất, khu công nghiệp bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước. Chính điều này khiến doanh nghiệp "do dự" trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian hoạt động còn lại của khu chế xuất, khu công nghiệp còn ít.

Trong khi đó, quỹ đất dành cho phát triển các khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh đang bị giới hạn. Thành phố được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp nhưng có tới 1.500 ha vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng. Diện tích đất sạch cho phát triển công nghiệp còn thấp, phân bổ rải rác nên rất khó để thu hút đầu tư, đặc biệt những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi nhiều diện tích. 

 Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN).


Một nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia đề cập khi lý giải việc TP Hồ Chí Minh bị giảm sức hút đối với nguồn vốn FDI là hệ thống cơ sở hạ tầng đã bộc lộ hạn chế. So với một số địa phương khác,điều kiện hạ tầng của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là hạ tầng giao thông từng được xem là phát triển, hoàn thiện hơn với đầy đủ các phương tiện từ đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không.

Tuy nhiên, sau một thời gian khi quy mô dân số và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên còn tiến độ đầu tư các dự án giao thông quan trọng chậm lại, các hạ tầng dịch vụ khác, đặc biệt là logistics chưa đồng bộ, thiếu kết nối đã dần trở nên quá tải và trở thành "điểm nghẽn".

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh gắn liền với 7 tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, với khu vực và quốc tế.

Thế nhưng thực tế hiện nay hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường Vành đai 2,3,4 chưa hoàn chỉnh; thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, cảng cạn (ICD) Trường Thọ... Tuyến Bắc - Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; sản lượng vận chuyển thấp; sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất, chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài... 

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận. Tp. Hồ Chí Minh cũng chưa có trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí và công năng theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030.

Nút thắt cơ chế và thực thi 

Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, những bất cập trong cơ chế và thực thi cũng tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư nói chung và FDI nói riêng của TP Hồ Chí Minh.

Tại các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thời gian gần đây, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã phản ánh tình trạng trì trệ trong việc thực thi các thủ tục cấp phép. 

Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, thế nhưng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore cho biết, doanh nghiệp nước này vẫn mất quá nhiều thời gian vì thủ tục xin cấp phép kinh doanh và mỗi nơi áp dụng một kiểu. Cụ thể, hồ sơ xin giấy phép kinh doanh dịch vụ cho thuê trang thiết bị gửi lên Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhưng đây là loại hình kinh doanh cần có ý kiến của cấp trên, Sở gửi ra Bộ Công Thương hỏi ý kiến. 

Thời gian nhà đầu tư chờ đợi để được cấp giấy phép phải sau 9 tháng, thậm chí 1 năm. Ngay với các dự án đã đầu tư rồi xin giấy phép thay đổi hạng mục kinh doanh, tăng vốn thì doanh nghiệp vẫn phải làm việc với nhiều cơ quan ban ngành để cập nhật từng thông tin,mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, công ty đã xin cấp phép đầu tư từ 10 năm trước, nay điều chỉnh thay đổi, lại phải làm nguyên bộ hồ sơ như hồ sơ của 10 năm trước.

Đại diện một doanh nghiệp khác chia sẻ, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều danh mục, lĩnh vực kêu gọi đầu tư nhưng thực tế chưa được chủ động được việc phê duyệt dự án. Có trường hợp doanh nghiệp đã nộp hồ sơ gần 2 năm nhưng chưa được phê duyệt vì thành phố phải xin ý kiến các bộ, ngành.

Thời điểm kinh doanh quyết định rất nhiều đến hiệu quả vì nó liên quan đến xu hướng, nhu cầu thị trường và cả vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Do đó, rất khó để các doanh nghiệp chấp nhận việc ngâm hồ sơ dự án chờ chính quyền "đi hỏi". Nếu TP Hồ Chí Minh không có cơ chế phù hợp thì khó tránh khỏi tình trạng nhà đầu tư rời đi và lựa chọn "bến đỗ" khác.

Cũng liên quan đến thủ tục, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất của Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh liên quan đến thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính.

Với việc ra đời của các luật chuyên ngành, cơ chế "một cửa, tại chỗ" trước đây của Ban quản lý Khu Công nghệ cao bị vô hiệu hoá dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài. Trong bối cảnh các nhà đầu tư chịu áp lực rất lớn về thời gian triển khai dự án như hiện nay thì việc Ban quản lý không thể xác định khung thời gian có thể hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự  án là một bất lợi rất lớn trong việc thu hút đầu tư.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với quy mô và độ mở lớn. Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp với đa dạng các lĩnh vực, cũng là nơi tiếp nhận những xu hướng mới từ khu vực và thế giới. Điều này dẫn đến phát sinh những vấn đề mới và khác biệt so với địa phương có quy mô nhỏ hơn.

Chính vì vậy, "chiếc áo" cơ chế chung trở nên chật chội, kể cả Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thời gian qua cũng chưa giải quyết được. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh cần được trao quyền tự quyết nhiều hơn để có thể phát huy được lợi thế, kịp thời nắm bắt các cơ hội và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.

chọn
Hình ảnh đường song hành Vành đai 4 dần thành hình đoạn qua Vinhomes Đan Phượng
Đường song hành Vành đai 4 – vùng Thủ đô đi qua huyện Đan Phượng với chiều dài 6 km, nhiều đoạn đã thảm nhựa, trong đó có đoạn đầu cầu Hồng Hà.