Bị cáo Hồ Minh Khiêm tại phiên xử - Ảnh: DUY THANH |
Theo hồ sơ, ngày 1/9/2017, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ban hành quyết định thanh tra thuế đối với Công ty cổ phần xây dựng An Nghĩa (trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và phân công ông Khiêm làm trưởng đoàn cùng 3 thành viên là Trần Thị Thu Hà, Phạm Trọng Ân, Nguyễn Hoàng Tú.
Do ông Khiêm, hiện 54 tuổi, đi bồi dưỡng nghiệp vụ tại Thừa Thiên - Huế trong thời gian thanh tra, nên việc thanh tra do 3 người còn lại thực hiện trong các ngày từ 19 đến 21/9/2017.
Bắt quả tang nhận 130 triệu đồng
Ngày 24/9/2017 là chủ nhật, bị cáo Khiêm vừa từ Thừa Thiên - Huế về Bình Định đã gọi điện thoại cho ông Đỗ Nguyễn Duy Minh - phó giám đốc Công ty An Nghĩa - đề nghị sắp xếp thời gian làm việc. Ông Minh thống nhất làm việc vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Tiếp đó, Khiêm điện thoại rủ ông Phạm Trọng Ân đi uống cà phê và hỏi kết quả thanh tra thuế tại Công ty An Nghĩa.
Ông Ân báo cáo là công ty này không khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, ngoài ra qua xem sổ sách thì còn phát hiện công ty có doanh thu hàng năm khoảng 16 tỉ đồng nhưng năm 2016 tồn kho đến 6 tỉ đồng là lớn, nghi có rủi ro về thu thuế.
Cuộc làm việc tại Công ty An Nghĩa vào chiều chủ nhật 24/9/2017 chỉ có ông Khiêm và ông Tú, do ông Ân cáo bệnh, còn bà Hà không được thông báo.
Trong thời gian giải lao giữa cuộc làm việc, mọi người ra ngoài thì ông Khiêm đưa cho ông Minh một bản danh sách lỗi vi phạm của Công ty An Nghĩa và cho biết số tiền phạt và tiền truy thu thuế lên đến gần 1,39 tỉ đồng.
Ông Minh nhờ ông Khiêm xem xét thì vị trưởng đoàn thanh tra thuế đề nghị công ty đưa cho ông 120-130 triệu đồng và khoảng 20-30 triệu đồng cho ông T. - cục trưởng Cục Thuế Bình Định, thì sẽ giảm tiền phạt còn 70 triệu đồng.
Ông Minh yêu cầu kế toán Công ty An Nghĩa làm việc với ông Khiêm thì ông này giảm số tiền của ông còn 110 triệu đồng, của ông T. là 20 triệu đồng.
Từ ngày 25 đến 28/9/2017, ông Khiêm nhiều lần điện thoại cho ông Minh hối thúc đưa tiền nhưng ông Minh lần lữa không đưa.
Ngày 29-9-2017, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ký kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế của Công ty An Nghĩa gần 70 triệu đồng.
Chiều 1/10/2017, ông Minh gọi điện hẹn ông Khiêm ra quán cà phê ở phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) để đưa tiền. Trước đó, ngày 28/9/2017, ông Minh đã có đơn tố cáo ông Khiêm đòi hối lộ đến cơ quan chức năng.
Ông Khiêm mang theo một túi xách đến quán cà phê, tự tay mở dây kéo để ông Minh bỏ bọc tiền 110 triệu đồng trong bọc nilông đen vào trong; tiếp đó, ông Minh lấy trong túi một bọc tiền khác đưa cho ông Khiêm để ông này bỏ vào túi. Lúc này, lực lượng công an xuất hiện bắt quả tang.
Tuy nhiên, tại hiện trường, ông Khiêm không nhận túi xách trên là của mình. Tiếp đó, quá trình điều tra, khi được xem clip tại quán cà phê cho thấy ông mang chiếc giỏ nêu trên, thì ông Khiêm khai vì ông Minh nói gởi quà bánh, kẹo cho 2 con nên nhận chứ không biết bên trong là tiền.
Bị cáo không nhận tội
Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Định khẳng định ông Khiêm phạm tội "nhận hối lộ" như truy tố, đề nghị tòa tuyên phạt ông 8-9 năm tù.
Tuy nhiên, ông Khiêm kêu oan và không nhận tội. Ông Khiêm nói ông chỉ điện thoại cho ông Minh 2 lần vào ngày 25/9/2017 và 28/9/2017 để nhắc ông Minh nộp biên bản đối chiếu số liệu có chữ ký các bên và nhắc công việc khác, không hối thúc đưa tiền.
Luật sư bào chữa cho ông Khiêm nói bị cáo không phạm tội, đề nghị tòa trả tự do cho ông - Ảnh: DUY THANH |
Luật sư bào chữa cho ông Khiêm nói ông Minh không cung cấp được văn bản được cho là ông Khiêm đưa ra khoản tiền phạt thuế hơn 1,3 tỉ đồng của Công ty An Nghĩa; không đưa được chứng cứ ông Khiêm đòi tiền trực tiếp cũng như qua các cuộc điện thoại.
Vị luật sư nói rằng khi nhận quà từ ông Minh, ông Khiêm không biết đó là tiền. Từ lập luận đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên ông Khiêm vô tội và trả tự do cho ông.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử cho rằng vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ.
Cụ thể là chưa điều tra các cuộc gọi từ 3 máy điện thoại của bị cáo được cơ quan điều tra thu giữ để xác định lời khai tại tòa là bị cáo nhiều lần gọi cho ông Minh đúng hay không.
Thứ hai là đối chất giữa bị cáo với ông Minh và những người cùng tham gia làm việc chiều 24-9-2017 tại Công ty An Nghĩa không có mặt của người bào chữa. Tòa thấy rằng sự đối chất này phải có mặt của người bào chữa để đảm bảo khách quan.
Thứ ba, nếu lỗi vi phạm là hàng tồn kho (của Công ty An Nghĩa) thì theo quy định pháp luật sẽ xử phạt hành vi này là bao nhiêu vì nội dung này cần thiết để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.
Từ các lý do trên, tòa tuyên trả hồ sơ để làm rõ các vấn đề đã nêu.