Vị trí trạm thu phí BOT T2. Ảnh: Zing |
Liên quan đến việc trạm BOT T2 tại QL 91 (ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá) thuộc địa bàn TP Cần Thơ, giáp ranh tỉnh An Giang bị đề nghị di dời, trao đổi với chúng tôi ngày 7/11, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới có trả lời về việc giảm giá vé dịch vụ.
Cụ thể, theo ông Xuân, Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát kiến nghị giảm giá qua trạm BOT T2 của tỉnh An Giang.
"Tổng cục Đường bộ yêu cầu căn cứ số lượng xe giảm giá, tra soát dữ liệu lưu trữ trên phần mềm quản lý thu tại các trạm thu giá của dự án từ tháng 1 đến hết tháng 9/2017 để xác định số lượng xe thực tế đi qua trạm trong tổng số lượng xe được giảm giá", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết.
Được biết, ngoài việc yêu cầu rà soát, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cập nhật các thông số tài chính theo quy định tại Hợp đồng dự án để tính toán phương án tài chính và đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.
Liên quan đến vấn đề giảm giá tại trạm BOT T2, ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đã giao Sở GTVT tỉnh, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện.
"Chúng tôi đã lập danh sách khoảng 2.800 phương tiện thuộc diện giảm phí như yêu cầu", ông Xuân cho biết thêm.
Trước đó, cuối tháng 9/2017, phía Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang có cho biết sẽ không lập danh sách phương tiện thuộc diện giảm phí với lý do "yêu cầu di dời trạm chứ không phải giảm phí".
Tuy nhiên, theo ông Xuân, sau khi hiệp hội gửi văn bản trả lời của Bộ GTVT cho các hội viên thì chưa nhận được ý kiến phản hồi. "Nếu hội viên không đồng tình thì mới tiếp tục kiến nghị", ông Xuân cho biết.
Về việc di dời trạm BOT T2, Bộ GTVT từng trả lời rằng: "Trường hợp di dời trạm có thể Nhà nước sẽ phải mua lại dự án trong điều kiện hiện nay thì không thể thực hiện được do ngân sách nhà nước hạn hẹp, không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn".
Được biết, cũng trong cuối tháng 9/2017, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đã gửi kiến nghị lần thứ 11 liên quan đến việc giảm phí, di dời trạm BOT T2.
Mới đây, Sở GTVT TP HCM đã đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu Chủ đầu tư trạm thu giá QL1K (Km5+775 - Km6+065 và Km9+600 - Km9+980 tại Bình Dương và Đồng Nai) thực hiện việc bán vé tháng theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sửa dụng đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Trước đó, theo phản ánh của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, các trạm thu giá nêu trên không bán vé tháng mà chỉ bán vé lượt. |
Di dời trạm BOT đặt 'nhầm chỗ': 'Điệp khúc'... không có tiền mua lại dự án
Về đề nghị di dời trạm BOT T2 trên QL91, Bộ GTVT cho biết nếu thực hiện thì có thể sẽ phải mua lại dự ... |