Trăm nhà máy ô nhiễm trong lòng thành phố, Hà Nội quyết di dời trong năm nay

Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở công nghiệp, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời…và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng nêu ra trả lời kiến nghị của cử tri trong đó có việc rà soát, di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư.

Liên quan đến vấn đề này, cử tri đặt vấn đề, hiện nay, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP HCM. Thời gian gần đây, vụ cháy Nhà máy bóng đèn – phích nước Rạng Đông càng làm dấy lên mối lo ngại về các nhà máy trong khu dân cư; tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư; đồng thời kiên quyết hạn chế cấp phép xây dựng khu dân cư trong khu vực nội đô; sử dụng đất đã di dời các nhà máy, trường đại học thành công trình công cộng như công viên, cây xanh.

Trăm nhà máy ô nhiễm trong lòng thành phố, Hà Nội quyết di dời trong năm nay - Ảnh 1.

Vụ cháy Nhà máy bóng đèn – phích nước Rạng Đông càng làm dấy lên mối lo ngại về các nhà máy trong khu dân cư.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, hiện nay, tại một số khu vực trong các đô thị lớn, việc kiểm soát xây dựng nhà cao tầng còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy chế quản quy hoạch, kiến trúc. Những hạn chế này đã dẫn tới việc gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng, gây ùn tắc giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường như cử tri phản ánh.

Theo Bộ này, để giải quyết các tồn tại trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và UBND các địa phương. Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trong công tác quản , triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Bộ cũng phối hợp với UBND TP Hà Nội, TP HCM, các Bộ ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng TP HCM có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong tổ chức lập, triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Việc thực hiện di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo trong khu vực nội đô, Bộ Xây dựng cho biết: Trên cơ sở Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Kết quả cụ thể, về công tác di dời cơ sở công nghiệp, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.

Về công tác di dời cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục dạy nghề cần phải di dời. UBND TP Hà Nội đã bố trí 279,5 ha cho các khu trường đại học tập trung tại Hòa Lạc.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều trường đại học đã lập quy hoạch và cơ sở 2 tại các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc).

Dẫn Quyết định số 130/QĐ-TTg, Bộ cho biết, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

“Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa; chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả” – Bộ Xây dựng nêu rõ.

Thực tế ghi nhận tại Hà Nội cũng cho thấy, dù nằm trong lộ trình phải di dời, nhưng hàng loạt nhà máy sản xuất gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm khu vực nội đô đến nay vẫn chây ỳ, bám trụ, thậm chí có nhiều nhà máy đã có cơ sở mới nhưng vẫn không chịu từ bỏ cơ sở cũ.

TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở (trong đó có Rạng Đông); quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".