Đó là nội dung quan trọng trong văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) của Bộ GTVT.
Trong văn bản Bộ GTVT cũng nêu rõ, sẽ lựa chọn phương án đầu tư tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo mặt đường quốc lộ 1, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1.
Trong đó, phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính dự án; mặt đường quốc lộ 1 được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy do lượng xe được phân bổ cho cả tuyến tránh và quốc lộ 1.
Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất bằng văn bản về phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 khi thực hiện dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4km quốc lộ 1 qua Tiền Giang (gồm đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km) với tổng mức đầu tư gần 1400 tỷ đồng.
Nhà đầu tư trạm thu phí BOT Cai Lậy đã thực hiện theo phương án này.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy |
Và phương án trên được lựa chọn, sau khi đã nghiên cứu phương án mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Phương án trên kinh phí đầu tư quá lớn khi phải giải phóng mặt bằng dân cư đông đúc hai bên đường.
Đặc biệt, nếu chỉ mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy thì tất cả xe cộ đi trên quốc lộ 1 sẽ phải mất phí, tổng chi phí người dân phải trả lớn hơn.
Trước đó, ngày 17/8, tại buổi họp báo về những vấn đề liên quan đến trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc xem xét di dời trạm BOT phải xét ở góc nhìn bao quát.
“Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa các bên Nhà nước, chủ đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng Bộ quyết định không di dời BOT”, ông Đông nói.
Theo Thứ trưởng, hiện trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí. Nếu cứ người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn. Hơn nữa, di dời trạm cũng có nghĩa phá vỡ phương án tài chính của các chủ đầu tư.
Về việc giảm phí, ông Đông cho rằng đây chỉ là bài toán giữa thời gian và giá. Khi trạm BOT thu phí cao thì thời gian hoàn vốn nhanh, thu phí ngắn. Ngược lại, khi giảm phí, thời gian thu phí sẽ kéo dài.
Khi giảm phí ở trạm Cai Lậy, Bộ GTVT sẽ rà soát hai năm một lần để tính lưu lượng xe, mức phí thu vào để có phương án định lượng thời gian thu phí tại trạm này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT trong thời gian qua cũng đã nảy sinh những bất cập. Về vấn đề này, Bộ sẽ tiếp tục xin ý kiến Chính phủ và các Bộ ngành để hoàn thiện thể chế.
Để hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân tại trạm thu phí Cai Lậy, Bộ sẽ đẩy nhanh việc quyết toán dự án, trên cơ sở sẽ tiếp tục tính toán mức phí và thời gian thu phí.
Đối với các dự án thực hiện theo hình thức BOT tương tự, từ nay, Bộ sẽ chỉ cho phép các dự án đầu tư mới, còn riêng phần cải tạo nâng cấp tuyến cũ chỉ làm khi có sự thống nhất của các cơ quan, đặc biệt là người dân trong khu vực dự án.
Về phía chủ đầu tư, ông Lưu Văn Hào - Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy không ai mong muốn. Đây là sự việc ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp.
Theo ông Hào, nếu Bộ GTVT yêu cầu di dời trạm BOT vào đường tránh thì sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của công ty. Chắc chắn việc thu phí ở đường tránh không bù đắp được khoản chi phí chủ đầu tư đã bỏ ra để thực hiện tuyến đường này và cải tạo nâng cấp quốc lộ 1.
Vị này cho hay khi nhận dự án, doanh nghiệp phải căn cứ vào vị trí đặt trạm BOT mới dám đầu tư, ngân hàng cũng dựa vào đó để cho doanh nghiệp vay vốn để thực hiện.
Rà soát, giảm phí 54 trạm BOT: Liệu pháp tình thế, tâm lý? Chuyên gia giao thông cho rằng việc rà soát, giảm phí 54 trạm BOT của Bộ GTVT chỉ là "liệu pháp tình thế, tâm lý" ... |