Trăn trở của một người Thầy dạy cải lương

“Làm sao có một sân khấu để sau khi các em ra trường còn có nơi mà “đi – về”, rồi làm sao để các em ngày càng hiểu hơn về môn nghệ thuật cải lương để mà yêu, mà đam mê, mà làm cho nó phát triển lên…” – đó là những trăn trở của nghệ sĩ Hải Long.
Cuối đời quy y cửa Phật và miệt mài làm từ thiện
Tần tảo nuôi 4 người con riêng của chồng
Cô bé hát rong trở thành ‘đệ nhất đào thương’
Nghệ sĩ Hải Long.

Nghệ sĩ Hải Long được biết đến là một người Thầy rất đặc biệt của trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Bởi, theo các lời kể của những người từng là học trò thì “Thầy Long” là một người hiền lương, chu đáo, yêu thương học trò như yêu chính cái nghề hát cải lương của mình.

Trong giai đoạn sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn, người làm Thầy như nghệ sĩ Hải Long, đặc biệt lại là một nghệ sĩ cải lương nên Thầy đã có rất nhiều trăn trở. Trong đó, trăn trở lớn nhất là không có một sân khấu chính nào để các sinh viên ra trường cảm thấy có một nơi để “đi về”. Và trăn trở nữa là, thế hệ trẻ ngày nay không còn mấy mặn mà với nghệ thuật cải lương như thời của ngày xưa…

Với bản thân thì Thầy cho rằng mình đã chịu đựng rất nhiều từ hồi xưa đến giờ, vì đam mê từ nhỏ, rồi đi học, giảng dạy… trải qua bao nhiêu thăng trầm nên Thầy hiểu được những khó khăn trong nghề. Tuy nhiên, Thầy cho rằng, bước chân vào nghề này ai ai cũng phải cố gắng, mỗi người góp một tay để cùng nhau phát huy cái nghề của mình, thì riêng Thầy phải cố gắng nhiều hơn, để không chỉ phát triển nghề mà còn “truyền lửa” cho các học trò của mình.

“Nếu đã đam mê thì phải biết vượt qua mọi khó khăn và sống trọn vẹn với nó, chứ thời khắc khó khăn như thế này, cộng với năng khiếu của các em ngày càng hạn chế thì chỉ cần nản chí một chút là không sống nổi với nghề này đâu… Mà thật sự, sau này trình độ và sự đam mê của các em cũng vơi bớt đi… không bằng với thời Thầy còn học ở đây” – Nghệ sĩ Hải Long nói.

Thầy Long trong một tiết học.

Không thể phủ nhận có nhiều học trò rất đam mê, tiếp thu rất nhanh, có những học trò của Thầy còn tham gia nhiều gameshow, giải thưởng và đạt danh hiệu cao… Nhưng đâu đó vẫn còn có những người đam mê nhưng chưa đủ cố gắng, hoặc bước vào trường chỉ để mượn danh tiếng ngôi trường mình đang theo học để làm việc khác…

Thầy bảo, thế hệ trẻ bây giờ ít còn đam mê hay hát bằng máu tim như thời ngày xưa nữa… Như lớp học Thầy đang giảng dạy, tuyển vào thì đúng tiêu chuẩn nhưng thật sự đam mê thì rất ít. Một lớp Thầy dạy thường khoảng 11-12 học trò, nhưng đến khi tốt nghiệp thì “rơi rụng” từ từ còn khoảng 7-8 em. Thế nên, nhiệm vụ của mình là làm sao để khơi gợi niềm đam mê ấy trong các em, để các em bền bỉ hơn trên con đường theo nghiệp sân khấu cải lương.

Nhiều người nghĩ rằng, vì sân khấu cải lương đang ở thời kỳ khó khăn, nên dù học vẫn luôn mang tâm lý lo sợ ra trường không có nơi để hát, không có ‘đất’ để sống với nghề. Nghe được tâm tư này, nghệ sĩ Hải Long khá buồn, Thầy cho rằng: “Tại sao mình đam mê mà lại cứ nghĩ đến một cái đường cùng như vậy, phải nghĩ là tôi phải học, tôi phải làm được. Còn chuyện con cảm thấy không có năng khiếu thì cứ chờ đi, như kiểu dự bị vậy. Thì đó là tự con chọn thôi, chứ ví dụ mình không có năng khiếu thì mình phải cố gắng hơn những người có năng khiếu gấp 10, gấp 100 lần, cần cù bù thông minh thì mọi thứ sẽ làm được hết. Thầy luôn dạy học trò như vậy”.

“Với nữa, cuộc đời mình mong muốn sao mà lãnh đạo, các cơ quan ngày càng tạo ra nhiều sân chơi cho các em. Ngày càng sản xuất nhiều chương trình để các em có cơ hội tham gia, thể hiện khả năng của mình. Và có một sân khấu để khi ra trường các em có nơi để hát, để “đi về” và tiếp cận với khán giả. Bên cạnh đó mở rộng thêm cách tiếp cận loại hình nghệ thuật dân tộc này như giảng dạy cho các em phổ thông hiểu được cái hay, cái đẹp của nó. Vì, có nhiều khi Thầy được mời về các trường phổ thông để nói chuyện về sân khấu cải lương thì các em mới nói rằng: “Đến bây giờ con mới hiểu ra được cải lương hay đến như vậy…” – Nghệ sĩ Hải Long trăn trở.

Thầy bảo, sân khấu cải lương có nhiều khó khăn lắm, từ thời thầy đến nay cũng có nhiều người nghệ sĩ giỏi, nhưng lại không có sân khấu để hát, phải chuyển sang làm một cái nghề khác. Bởi vậy, chỉ có chịu đựng, chịu cực khổ lắm mới đi trọn vẹn được cái nghề này.

Để sân khấu cải lương có chỗ đứng trong lòng khán giả thì mình phải là người tuyên phong đi đầu, để mình truyền cho các em sự hiểu biết sâu rộng của cái nghề mình đang theo. Thế nên với Thầy, chỉ có hiểu mới yêu thích được. Mà muốn học trò đam mê và làm được thì bản thân Thầy là một người Thầy phải làm được điều đó trước.

“Thầy muốn truyền đến cho tất cả mọi người cái đam mê sân khấu cải lương và mong muốn tất cả cùng chia sẻ những lúc sân khấu khó khăn như thế này. Thầy làm được gì cho sân khấu cải lương thì Thầy sẽ làm, làm đến hơi thở cuối cùng”.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.