Quyết định rời nhóm nhạc Monstar và công ty quản lý, Erik cho biết lý do chính của anh là những khúc mắc trong thu nhập. Theo Erik, giữa anh và công ty ăn chia theo tỷ lệ 10% - 90%. Tuy nhiên, anh chưa một lần được công bố rõ ràng về số lượng hợp đồng quảng cáo, biểu diễn cũng như giá trị của nó. Ngay lập tức, công ty quản lý của Monstar lên tiếng phủ nhận.
Hiện tại, khi ST.319 và Erik đưa ra những thông tin lệch nhau, khó có thể khẳng định ai đúng, ai sai. Tuy vậy, sự việc một lần nữa cho thấy việc ăn chia thu nhập giữa công ty và nghệ sĩ là vấn đề muôn thuở, thường xuyên dẫn đến tranh cãi ở cả Vpop lẫn các thị trường âm nhạc khác.
Thu nhập: Vấn đề khiến vô số thành viên rời nhóm
Sự việc giữa Tronie và VAA - công ty của Ngô Thanh Vân - từng gây xôn xao một thời gian dài bởi diễn biến khá giống trường hợp của Erik. Khi quyết định tách nhóm vào năm 2013, Tronie cho biết anh rời đi vì thu nhập thấp và không đạt được thỏa thuận trong các điều khoản.
Ngay sau đó, Ngô Thanh Vân tổ chức họp báo và khẳng định ngoài việc bao toàn bộ chi phí ăn ở, trang phục, học tập... công ty vẫn trả lương cứng 3 triệu một tháng, nhưng thực nhận gấp 3-4 lần cho các thành viên.
Tronie từng công khai bản hợp đồng anh ký với công ty lên mạng và ám chỉ sự chênh lệch trong thu nhập giữa anh với công ty.
Ở làng nhạc Hàn, những lùm xùm xoay quanh vấn đề hợp đồng càng xảy ra thường xuyên. Trong đó, rất nhiều ca sĩ như Kara, JYJ, 3 cựu thành viên nhóm EXO, SS501, Beast, Moon Jun Young,… từng kể tội công ty và quyết ra đi giữa lúc thăng hoa trong sự nghiệp.
Đến giờ, vụ việc giữa Kris, Tao và Luhan đâm đơn kiện SM vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Khi gửi đơn lên tòa án, cả 3 đều khẳng định SM "phân chia lợi nhuận thiên lệch", phân biệt đối xử, bóc lột sức lao động… Trước đó, JYJ hay Hangeng cũng lấy lý do tương tự để rời khỏi SM.
Với thị trường Âu Mỹ, lý do chủ yếu dẫn đến những cuộc chia ly là ca sĩ muốn được theo đuổi phong cách âm nhạc riêng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp dính dáng đến chuyện tiền nong, ví dụ như Brian McFadden. Anh quyết định rời Westlife vì muốn quản lý được thu nhập của mình, điều mà anh không thể làm trong suốt những năm hoạt động trong nhóm, bởi sự can thiệp của công ty.
Những nhóm nhạc ra mắt nhiều năm vẫn... không có lương
Ngoại trừ trường hợp Erik, Tronie… tố cáo công ty trả lương chưa thỏa đáng, Vpop chưa có tranh cãi nào liên quan đến việc nhóm nhạc không được trả lương. Trong khi đó, việc này đã trở nên rất phổ biến, thậm chí là quy luật chung ở các công ty quản lý vừa và nhỏ tại Hàn Quốc.
Ngay cả công ty nằm trong top 3 là JYP cũng từng có giai đoạn không thể trả lương cho nhóm nhạc 2AM.
"Tôi phải chi trả các khoản phí trong thời gian làm thực tập sinh ở công ty. Mọi người nghĩ tôi kiếm được nhiều tiền bởi tôi tham gia nhiều chương trình, nhưng 3 năm sau khi ra mắt, 4 thành viên 2AM vẫn sống trong một căn phòng đơn.
Sau đợt quảng bá ca khúc Never let you go, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ nhận được 2 triệu won (khoảng 40 triệu đồng), tôi đã nắm tay mẹ mà khóc. Tuy nhiên, thực tế, tôi chỉ có 200 nghìn won (khoảng 4 triệu đồng)", Jo Kwon tiết lộ về quá trình làm việc không công.
Trường hợp không có lương đã trở nên rất quen thuộc tại làng nhạc Hàn Quốc.
Những nhóm nhạc nữ đang nổi tiếng và có lượng fan lớn như AOA, EXID cũng từng mất 3 năm đầu không có lương. Thậm chí, mới đây khi đâm đơn kiện công ty chủ quản Mafia Records, thành viên nhóm Wa$$up còn tiết lộ rằng không những không nhận được lương mà họ còn gánh khoản nợ lên đến 500 triệu won (khoảng 10 tỷ đồng) vì thu nhập chưa đủ để trả tiền công ty đầu tư.
Con đường ca hát không trải đầy hoa hồng
Để có cơ hội được đứng trên sân khấu, các ca sĩ Kpop phải trải qua quá rèn luyện khổ cực trong khoảng thời gian trung bình là 3-5 năm. Có những ca sĩ từng làm thực tập sinh tới trên 10 năm mới được ra mắt, như Jihyo của nhóm nhạc Twice hay nam ca sĩ G.Soul…
Jihyo bước vào cuộc sống thực tập sinh khi mới 8 tuổi.
Và ngay cả khi ra mắt, họ cũng phải tuân thủ lịch trình dày đặc dẫn đến chỉ được nghỉ vài tiếng mỗi ngày. Vì thế, hình ảnh ca sĩ ngất xỉu trên sân khấu như Krystal (f(x)), Hyeri (Girls Day)... đã trở nên rất quen thuộc.
Về Việt Nam, thời gian đào tạo tuy đã được rút ngắn, ví dụ với trường hợp 365 là 6 tháng, nhưng quá trình rèn luyện cũng cực khổ không kém.
Ngô Thanh Vân cho biết cô dành rất nhiều thời gian, tiền bạc để tạo nên nhóm nhạc 365.
Trải qua vô vàn khó khăn, trong khi thu nhập ít ỏi, thậm chí làm việc nhiều năm vẫn không có lương, đó là điều khiến không ít khán giả cảm thấy xót xa cho giới nghệ sĩ.
Thế nhưng, trên phương diện của công ty quản lý, việc đầu tư cho một nhóm nhạc là vô cùng tốn kém. Vậy mới có chuyện công ty "thu không đủ chi" dẫn đến không trả lương cho nghệ sĩ hoặc chia chênh lệch quá lớn như St.319 và Erik.
Là bà bầu của nhóm nhạc nổi tiếng như 365 nhưng Ngô Thanh Vân từng chia sẻ rằng cô gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình duy trì nhóm bởi khác ca sĩ solo, nhóm nhạc sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều tiền về cả trang phục, đạo cụ… trong khi cát-xê lại không hề cao hơn.
Quay lại trường hợp Erik, công ty St.319 cho biết hiện thu nhập của nhóm Monstar chưa đủ hòa vốn, bởi riêng MV ra mắt Baby Baby được quay tại Hàn Quốc đã ngốn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, Monstar là nhóm nhạc mới chưa có cát-xê cao, thu nhập của nhóm lại phải chi trả cho rất nhiều khoản, bao gồm cả những nhân viên trong công ty lẫn mối quan hệ bên ngoài.
Tranh cãi giữa Erik và công ty đang gây chú ý những ngày gần đây.
Ở Hàn Quốc, theo thống kê, mỗi nhóm nhạc 5 thành viên sẽ tốn tới 940 triệu won (khoảng 18 tỷ đồng) trong 2 năm đầu ra mắt. Trong đó, bao gồm chi phí học tập, nơi ở, ăn uống và tiền sản xuất album, MV, quảng bá, trang điểm… Con số này tăng lên gấp nhiều lần với trường hợp nhóm nhạc đông thành viên như Seventeen, Cosmic Girls, Twice, I.O.I, SNSD, EXO, Super Junior,…
Nhìn chung, duy trì một nhóm nhạc là bài toán khó với cả công ty quản lý lẫn nghệ sĩ. Bởi vậy, quyết định bước vào con đường này, cũng đồng nghĩa ca sĩ sẽ phải nỗ lực và hi sinh hết mình mới có cơ hội đến được ngày gặt hái thành quả.