Câu chuyện "Đại học Sức khỏe" đã khép lại, nhưng cũng là nối tiếp những cuộc tranh luận chỉ vì... luật. Trước đây là trạm thu phí hay trạm thu giá. Gần đây giá niêm yết phải bao gồm cả thuế, phí. Mới nhất là Đại học Y dược hay Trường đại học Y dược.
Thật vất vả cho Bộ GTVT, chỉ vì làm theo Luật giá, đổi tên "trạm thu phí" sang "trạm thu giá" đã bị dư luận chê bai, thậm chí suy diễn là ẩn chứa "âm mưu" để muốn tăng giá thế nào cũng được.
Chuyện Vietnam Airlines tố các hãng hàng không khác niêm yết giá không đúng luật (phải bao thuế và phí) và bị hãng khác tố ngược lại là niêm yết giá cả gói (cả thuế, phí) là không minh bạch. Hay bức xúc trước phát biểu đổi tên Đại học Y dược cũng có lí do từ Luật giáo dục.
Thực ra, Bộ GTVT, Bộ Y tế hay Vietnam Airlines làm và dẫn đúng các luật liên quan. Nhưng một bộ phận dư luận cho mình có lí, với lí lẽ rằng nghe quen tai, được xã hội chấp nhận, là thương hiệu quen thuộc.
Như vụ trạm thu phí, không ai chấp nhận trạm thu giá, vừa không lọt tai lại không ổn về ngữ nghĩa. Nhưng việc Bộ GTVT bỏ trạm thu giá, quay lại gọi trạm thu phí chưa hẳn đúng luật vì lẫn lộn với phí mà các dịch vụ công của Nhà nước thu theo Luật phí và lệ phí.
Nhưng gọi thế cũng chẳng sao, chỉ có luật là bị bỏ quên!
Bộ Y tế cũng tuân theo Luật giá, có thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh và trên hóa đơn thu tiền ở nhiều bệnh viện vẫn ghi giá khám chữa bệnh! Còn giả sử Đại học Y dược TP HCM vẫn giữ tên (đúng tên theo Luật giáo dục đại học phải là Trường đại học Y dược TP HCM), vậy thanh tra của Bộ GD-ĐT tuýt còi trường này chưa chuẩn hay Luật giáo dục đại học có ngoại lệ?
Với niêm yết giá phải gồm cả thuế và phí, VietJet khẳng định là theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù hoạt động của hãng, xài gì trả tiền đó. Vậy ai đúng hay luật chưa theo kịp thực tế?
Tranh luận, gây bức xúc nhưng tình trạng không chấp hành luật cứ diễn ra và khó tránh khỏi những trường hợp khác tái diễn trong tương lai.
Từ các cuộc tranh luận này, cứ nghĩ đến chữ giá mà.
Giá mà khi xảy ra ồn ào, người có trách nhiệm ở các ủy ban của Quốc hội lên tiếng giải thích luật. Giá mà công tác phổ biến pháp luật được chăm chút, dân dã, dễ hiểu. Giá mà khi xây dựng luật, các nhà làm luật tính đến nhiều tình huống phát sinh khi có luật mới...
Thật vậy, nếu có lời giải thích từ một ủy ban của Quốc hội sẽ có tác dụng "ngàn lần" lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Tôi phát biểu đúng, Đại học Y dược TP HCM phải đổi tên".
Lời giải thích sẽ hạ nhiệt bức xúc của xã hội, thay vì Bộ GTVT hứng chịu búa rìu dư luận. Hoặc lời giải thích giúp xã hội hiểu đúng về niêm yết giá hay Luật giá phải sửa với nhiều hình thức niêm yết phù hợp cho doanh nghiệp nhưng không gây hiểu lầm nơi người tiêu dùng...!
Trong những "giá mà" nêu trên, việc lường hết các tình huống khi xây dựng luật là rất quan trọng, hoặc nếu chưa chuẩn, cần giải thích hoặc chỉnh sửa kịp thời. Bởi có luật mới, mọi thứ sẽ chuyển động theo khuôn thước mới của luật nên nảy sinh nhiều tình huống, có thể gây khó cho các bộ ngành hoặc luật vênh, không đi vào đời sống.
Không thể chấp nhận có luật nhưng gọi sao cũng được, hiểu sao cũng xong, tạo mồi cho những bức xúc xã hội không đáng có.