Lãnh đạo Cục CSGT (C08, Bộ Công an) vừa đưa ra đề xuất trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) của người vi phạm giao thông. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn ý kiến đều ủng hộ, tuy nhiên phải thực hiện sao cho minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực.
Trao đổi với báo chí về đề xuất trừ điểm trên GPLX, Đại tá Đào Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cho rằng nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng đều áp dụng hình thức này. Thông thường các lỗi bị trừ điểm nặng nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đèn tín hiệu giao thông, không nhường đường cho người đi bộ. Khi bị trừ hết điểm, tài xế buộc phải thi lại bằng lái.
Đây không phải là lần đầu tiên đề xuất trừ điểm trên GPLX được đưa ra. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, cũng từng đưa ra kiến nghị tương tự. Theo phương án của Đại tá Thắng, sau quá trình đào tạo, sát hạch cũng như cấp GPLX, các công dân đủ điều kiện sẽ có được một số điểm. Những người vi phạm luật giao thông thì ngoài việc bị xử phạt, chế tài theo quy định hiện hành, số điểm trên GPLX của họ cũng sẽ bị trừ đi tùy theo lỗi vi phạm. Đến một ngưỡng nào đó, người vi phạm buộc phải học và thi lại GPLX.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng đề xuất này triển khai ở Việt Nam thì còn rất nhiều vấn đề. Nếu làm không tốt thì cũng có thể phát sinh tiêu cực theo kiểu xin-cho. Chưa kể nếu áp dụng còn phải thay đổi cả hệ thống máy móc, hệ thống pháp luật và cả đội ngũ nhân lực để thực hiện.
Ở góc độ tài xế, anh CBH (TP.HCM) ủng hộ đề xuất trừ điểm nhưng vẫn lo ngại: “Tôi chỉ lo nảy sinh tiêu cực như CSGT dựa vào tâm lý sợ tước bằng của tài xế mà làm tiền. Vì vậy cần phải đảm bảo sự minh bạch trong khâu kiểm soát, mọi lỗi vi phạm phải được quy định rõ ràng. Lỗi ở mức độ nào thì bị trừ điểm tương ứng và phải thông báo rõ ràng cho tài xế biết chứ không để CSGT muốn trừ bao nhiêu cũng được”.
Anh Bùi Văn Học, nhân viên một công ty vận tải ở Hà Nội, nêu quan điểm: “Nếu áp dụng việc trừ điểm thì ở tất cả vị trí kiểm tra, CSGT phải được trang bị hệ thống camera gắn theo mũ để ghi hình khi xử phạt vi phạm giao thông. Những hình ảnh này sẽ là chứng cứ nếu xảy ra khiếu nại, phải làm sao để chúng tôi tâm phục khẩu phục”.
Bên cạnh sự ủng hộ, nhiều ý kiến cũng lo ngại tiêu cực sẽ phát sinh trong quá trình áp dụng việc trừ điểm trên bằng lái (Ảnh: HTD) |
Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho hay đề xuất trừ điểm trực tiếp trên GPLX của người vi phạm là đáng hoan nghênh. Năm 2003, chúng ta từng áp dụng hình thức bấm lỗ trên GPLX. Đến năm 2007, Nghị định 146 ra đời chính thức bãi bỏ quy định bấm lỗ bằng lái, mà thay bằng hình thức phạt khác là tước GPLX theo thời hạn.
“Nhiều năm qua hình thức tước bằng lái xe tuy khiến tài xế lo lắng nhưng không vì vậy mà ý thức tham gia giao thông của họ được nâng cao hơn. Đơn giản là do sau thời gian bị tước bằng lái, nếu tài xế thực hiện quyết định xử phạt thì coi như “xóa sổ” vi phạm. Chưa kể, hiện nay tình trạng bỏ luôn bằng lái đang diễn ra rất nhiều. Người vi phạm sẵn sàng bỏ GPLX đang tạm giữ để đi đăng ký thi GPLX mới. Do vậy, hình thức trừ điểm GPLX rất hay vì sẽ “chỉ mặt, điểm tên” được những tài xế hay vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, hình thức này phải được nghiên cứu kỹ và phù hợp với các quy định của pháp luật” - vị này nêu quan điểm.
Ông cũng cho rằng trên thực tế muốn làm được điều này thì cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính phải liên thông toàn quốc. Làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu. Phải đưa ra nhóm lỗi tương ứng với mức điểm bị trừ, lỗi nặng mức phạt cao thì trừ điểm cao… Còn phải nghiên cứu cả tình tiết tăng nặng, tái phạm nhiều lần. Đến khi số điểm trên GPLX không còn thì đơn vị cuối cùng phát hiện vi phạm được quyền tịch thu GPLX.
“Dĩ nhiên, bên cạnh việc này thì công tác cấp GPLX cũng phải được thay đổi, siết chặt hơn. Phải làm sao để tài xế bị giam/tước bằng lái không có cơ hội đi thi “lụi” bằng lái mà không bị phát hiện. Mục đích cuối cùng là ngăn chặn những người ý thức kém, thường vi phạm luật giao thông được lái xe ra đường, để bảo vệ mạng sống của người dân” - vị này nói.
Quy định ở một số quốc gia trên thế giớiMỹ: Khi vi phạm luật giao thông sẽ bị trừ một số điểm nhất định tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ở mỗi bang cũng có cách tính điểm khác nhau. Ví dụ ở bang California, nếu trong 12 tháng bị trừ 4 điểm, đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị tước GPLX nếu vi phạm thêm bất cứ lỗi nào. Úc: Áp dụng phương pháp tích điểm trừ cho người tham gia giao thông. Trong vòng ba năm, nếu số điểm trừ vượt mức cho phép, người vi phạm có thể bị tước GPLX và bị từ chối nâng hạng bằng lái. Được biết ở Úc, bằng lái xe được chia làm nhiều cấp độ và phải thi qua nhiều giai đoạn mới lấy được bằng hoàn chỉnh. Trong trường hợp người vi phạm có quá nhiều điểm trừ, việc lấy được bằng lái chính thức là vô cùng khó khăn. Trung Quốc: Khi được cấp bằng lái xe ở Trung Quốc, số điểm hiện có là 12. Trong suốt một năm lái xe, nếu để xảy ra vi phạm giao thông, số điểm này sẽ bị trừ lần lượt tùy vào mức độ vi phạm. Kết thúc một năm, nếu số điểm trên bằng lái >0 sẽ được khôi phục 12 điểm như ban đầu. Trong trường hợp vi phạm quá nhiều lỗi và bị trừ sạch 12 điểm hiện có trên bằng, người vi phạm buộc phải học và thi cấp bằng lái mới. Tú Quyên |
CSGT sẽ trực tiếp 'trừ điểm' người vi phạm ngay trên bằng lái?
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết, cách thức “phạt cho ... |