Trung Quốc giao dịch hợp đồng tương lai thịt heo giúp phòng ngừa rủi ro biến động giá

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF), các doanh nghiệp chăn nuôi heo đã trải qua nhiều đợt biến động giá lớn trong hai năm qua. Do đó, Trung Quốc vừa bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai thịt heo như một công cụ phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo South China Morning Post, vào ngày 8/1, giới chức Trung Quốc đã tổ chức sự kiện ra mắt ba hợp đồng tương lai thịt heo trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE). Sự kiện quan trọng này là thành quả của hai thập kỉ lập kế hoạch, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với lĩnh vực chăn nuôi heo, một ngành có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc.

Theo ước tính của Fitch Ratings, đợt bùng phát dịch ASF năm 2018 đã buộc chính phủ Trung Quốc tiêu hủy hàng triệu con heo, làm suy giảm nguồn cung và gây thiếu hụt 4,3 triệu tấn thịt heo trong năm 2020.

Ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, cho biết hợp đồng tương lai thịt heo có thể phục vụ nhiều đối tượng, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tại sự kiện ra mắt hợp đồng tương lai thịt heo sống, ông Fang nói: "Người chăn nuôi có thể tận dụng hợp đồng tương lai để bố trí kế hoạch sản xuất và phòng ngừa rủi ro nhằm ổn định giá, đảm bảo nguồn cung và rút ngắn 'chu kì biến động nguồn cung và giá thịt heo' cho ngành chăn nuôi heo".

Trung Quốc chính thức tung ra hợp đồng tương lai thịt heo sau hai thập kỉ thai nghén - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ba loại hợp đồng tương lai thịt heo trên sàn DCE được cho là đang phản ánh kì vọng của thương nhân rằng nguồn cung sẽ cải thiện trong những tháng tới khi kế hoạch tiêm phòng Covid-19 trên toàn quốc đạt tiến triển tốt và giúp kiểm soát đại dịch trong lãnh thổ Trung Quốc.

Theo dữ liệu giao dịch ngày 8/1, hợp đồng tương lai hết hạn vào tháng 9/2021 đã giảm 13% xuống còn 26.180 nhân dân tệ/kg, trong khi các hợp đồng tương lai hết hạn vào tháng 11/2021 giảm tới giới hạn 16% và các hợp đồng tương lai đến hạn vào tháng 1/2022 giảm 15,8%.

Vào ngày đầu tiên giao dịch, sàn DCE giới hạn biên độ dao động không vượt quá 16%. Theo các quy định giao dịch, về sau, biên độ dao động hàng ngày sẽ được thu hẹp xuống một nửa. Mỗi hợp đồng tương lai đại diện cho 16 tấn thịt heo và yêu cầu kí quỹ là 8% đối với nhu cầu bảo hiểm rủi ro và 16% đối với giao dịch đầu cơ.

Công ty tư vấn Citic Futures dự báo giá thịt heo sẽ giảm xuống dưới 25 nhân dân tệ/kg trong năm nay và có thể tiếp tục giảm mạnh hơn. Trong khi đó, Guoyuan Futures cho biết giá thịt heo sẽ duy trì trong khoảng 20 - 25 nhân dân tệ/kg trong nửa cuối năm.

Ông Wu Qingbin, nhà phân tích tại công ty tư vấn Huatai Futures cho hay: "Trong tương lai gần, chúng ta chưa thể cho ra vắc xin ngừa ASF hiệu quả. Điều đó cho thấy chu kì biến động nguồn cung và giá thịt heo sẽ kéo dài và giá thịt sẽ biến động mạnh hơn".

Theo South China Morning Post, Trung Quốc chiếm gần một nửa lượng tiêu thụ thịt heo của thế giới. Giá thịt heo đã tăng lên mức kỉ lục vào năm ngoái khi dịch ASF buộc hàng loạt trang trại phải đóng cửa, xóa sổ một nửa đàn heo của Trung Quốc và thắt chặt nguồn cung của người tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung thịt heo buộc chính quyền Bắc Kinh phải khai thác kho dự trữ thịt heo quốc gia và trợ cấp cho người tiêu dùng để kiềm chế lạm phát, SCMP thông tin thêm.

Trung Quốc chính thức tung ra hợp đồng tương lai thịt heo sau hai thập kỉ thai nghén - Ảnh 2.

Hiện tại, giá thịt heo tại Trung Quốc trung bình đạt 36 nhân dân tệ/kg, tăng so với mức thấp 26 nhân dân tệ/kg ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.

Nguyên nhân được cho là do lượng nhập khẩu giảm dần sau khi các cơ quan chức năng phát hiện virus SARS-CoV-2 trên thịt heo đông lạnh mua từ nước ngoài cũng như do các đợt bùng phát lẻ tẻ của dịch ASF trong mùa đông.

Giá thịt heo chiếm một tỷ trọng đáng kể trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, dù tỷ trọng này chưa bao giờ được tiết lộ. Theo số liệu chính thức, tháng 11/2020, giá thịt heo tại đất nước tỷ dân đã giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước, giúp chỉ số CPI lần đầu tăng trưởng âm sau 11 năm.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.