“Người trưởng phòng yêu cầu cô gái bổ sung hồ sơ xin việc. Sau đó, ông ta hẹn cô đến một nhà nghỉ để nhận đơn và trao đổi công việc”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa kể lại.
Liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục nơi công sở, ông Trịnh Trung Hòa cho rằng, không ít trường hợp, đối tượng bị quấy rối lại là những người có chức quyền. Họ bị một số nhân viên, người dưới quyền tìm cách "tấn công" để có được thỏa hiệp, nhằm đạt được mục đích của mình.
“Tôi được biết có người thầy giáo dạy tại chức, tuổi đã ngoài 50 là nạn nhân bị quấy rối. Ông rất giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tính tình lại hiền lành nên thường bị các nữ sinh tìm cách lợi lụng. Mỗi mùa thi, cánh sinh viên nữ lại đến phòng làm việc của ông tìm mọi cách để xin nâng điểm. Nếu thầy đồng ý thì các cô cười vui vẻ, thầy không đồng ý thì ra sức nũng nịu ăn vạ… ”, Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa kể.
Theo chuyên gia tâm lý, người thầy này rất chỉn chu, đứng đắn. Tuy nhiên thầy lại quá hiền nên bị cánh nữ sinh "bắt thóp".
“Có hôm, tôi đến phòng thầy lúc 9 giờ sáng, thấy người thầy và cô nữ sinh ngồi ở hàng bên ghế này. 11 giờ quay trở lại, tôi đã thấy thầy và cô học trò ngồi ở hàng ghế đối diện bên kia.
Hóa ra, cô nữ sinh cứ ngồi sát thầy, người thầy lại dịch sang chỗ khác. Vì vậy trong 2 giờ đồng hồ, 2 thầy trò cứ "đuổi nhau" hết hàng ghế này đến hàng ghế khác”, ông Hòa hài hước kể lại.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. Ảnh: Vũ Lụa |
Ông Hòa cho rằng, trong việc bị quấy rối, kỹ năng quản lý tình huống kém và suy nghĩ ngây thơ của nạn nhân cũng là điều kiện khiến những kẻ quấy rối có cơ hội thực hiện hành vi hơn.
“Tôi từng gặp một trường hợp bị quấy rối tình dục nhưng câu chuyện mà cô gái kể khiến tôi vừa giận vừa thương”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Ông kể, cô gái này là sinh viên mới ra trường. Trong quá trình tìm việc, cô được bạn bè giới thiệu đến gặp vị trường phòng tổ chức của một công ty lớn để nộp đơn. Người trưởng phòng này gặp cô gái một lần, thấy cô gái xinh xắn lại ngây thơ nên yêu cầu cô bổ sung hồ sơ xin việc. Sau đó, ông ta hẹn cô gái đến một nhà nghỉ để nhận đơn và trao đổi công việc.
Đến nhà nghỉ, ông đề nghị được ôm, hôn cô gái. Tuy nhiên sau khi ôm hôn, người trưởng phòng lại mong muốn đi xa hơn.
“Cô gái từ chối chuyện đi quá giới hạn nên chống cự khiến trưởng phòng tức tối. Hắn ta đập phá tất cả đồ đạc trong phòng như cốc chén, điều khiển ti vi... Sau đó, hắn ta bỏ đi để cô gái khóc nức nở trong phòng vì uất ức, sợ hãi”, ông Hòa nhớ lại.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa khuyên: "Nên tránh những cuộc gặp gỡ riêng hay những nơi dễ nảy sinh hành động mất kiểm soát như nhà nghỉ hay trong phòng kín" (Ảnh minh họa). |
Theo ông Hòa, để tránh chuyện quấy rối tình dục nơi công sở, người có chức có quyền hay những nhân viên "thấp cổ bé họng" cũng cần phải học kỹ năng quản lý tình huống.
“Nên tránh những cuộc gặp gỡ riêng hay những nơi dễ nảy sinh hành động mất kiểm soát như nhà nghỉ hay trong phòng kín. Ngoài ra nạn nhân cần phải thể hiện thái độ cương quyết, cứng rắn để đối phương biết được thông điệp từ chối của mình ngay khi phát hiện ý đồ”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Đối với những trường hợp, kẻ quấy rối dùng quyền lực để ép buộc thì người bị quấy rối càng nên thể hiện thái độ rõ ràng, đồng thời lên tiếng để tạo làn sóng phản đối.
“Nhiều nhân viên phẫn uất nhưng vẫn cam chịu sự quấy rối của sếp vì sợ bị đuổi việc, hoặc bị trả thù. Tuy nhiên họ không biết rằng, khi cho nghỉ việc một nhân sự, công ty phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật”, ông Hòa nói.
Theo Điều 42 Bộ Luật lao động, nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động.
Vũ Lụa - Ngọc Trang
XEM THÊM
Những bí kíp phải ghi nhớ để tránh bị lạm dụng tình dục nơi công sở
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa bày cách phòng chống lạm dụng tình dục nơi công sở. |
Ông bầu Phúc Nguyễn: 'Mẫu nam biết giới tính và điều kiện của tôi'
Phúc Nguyễn cho rằng không ai chi tiền để giúp đỡ một người dưng. Khi các mẫu nam tìm đến, ông bầu này lập tức ... |
Hương Giang Idol kể chuyện lạm dụng tình dục trong showbiz
Mới đây, Hương Giang Idol đã có những chia sẻ về cuộc sống, công việc sau khi đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế ... |
Câu chuyện trong nhà nghỉ với trai bao
Trái với suy nghĩ cho rằng có ngoại hình, trẻ đẹp mới làm trai bao, những gã trai không nhan sắc cũng chen chân, giành ... |