Trưởng thôn giữ rừng và bài học 'đồng thoại' với người dân

Thoạt đầu mới nghe giới thiệu, tôi hình dung ông phải là một lực điền, to cao, vạm vỡ với phong thái “thét ra lửa”. Nhưng vừa gặp ông, tôi lập tức thất vọng. “Có lẽ nào một người đàn ông nhỏ bé, mảnh mai như thế lại gánh vác được cả công việc nặng nề, nguy hiểm đến vậy?”, tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với ông với câu hỏi đó trong đầu.

Hóa ra đâu phải cứ to cao, đồ sộ như những cây cổ thụ trong rừng kia mới làm được nghề gác rừng. Dân tộc Việt Nam, từ bao đời nay đã chứng minh được một chân lý, đó là sức sống bền bỉ, sức chiến đấu kiên cường và nghị lực phi thường lại thể hiện trong chính những con người bình dị, nhỏ bé. Ông là Phùng Văn Pham, Trưởng thôn Tát Kẻ (xã Khau Tinh, huyện Na Hang, Tuyên Quang) và cũng là người giữ rừng của KBT Tát Kẻ – Bản Bung.

truong thon giu rung va bai hoc dong thoai voi nguoi dan
Trưởng thôn Phùng Văn Pham, người dành cả đời mình vào công tác bảo vệ rừng

Ngôi làng nhỏ dưới tán rừng xanh

Ông Pham mở đầu màn đón khách bằng ấm trà nóng thơm lừng. “Trà này do người quen của tôi ở tận Thái Nguyên gửi lên đấy. Làm cốc trà cho ấm người rồi nói tiếp. Chúng ta có cả ngày để tâm sự cơ mà”, vừa rót trà, ông Pham vừa nói với giọng trầm ấm, nhẹ nhàng khiến những vị khách miền xuôi như chúng tôi có cảm giác thật đầm ấm, gần gũi như người trong gia đình.

Sinh năm 1957, tuổi thơ của cậu bé Phùng Văn Pham gắn liền với những tán rừng xanh ngút ngàn, mát mắt. Hồi đó, cả xã Khau Tinh chỉ có duy nhất một mình thôn Tát Kẻ nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Khu bảo tồn Tát Kẻ - Bản Bung. “Lúc bấy giờ, tính tổng thôn mới có chừng chục nóc nhà. Tất cả đều là người Dao và cuộc sống của mọi người đều phụ thuộc vào rừng. Lấy cây rừng về làm nhà, săn bắn thú rừng làm thức ăn và phát cây rừng làm nương rẫy trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn”, ông Pham kể.

truong thon giu rung va bai hoc dong thoai voi nguoi dan
Thôn Tát Kẻ nằm lọt thỏm giữ những cánh rừng đại ngàn.

Mặc dù sống dựa vào rừng là vậy nhưng trong tâm thức của những người dân Tát Kẻ bấy giờ, cái khái niệm “phá rừng” vẫn còn là thứ gì đó mơ hồ, xa xôi lắm. Họ luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với rừng xanh bởi đó chính là mái nhà chung của người dân cả làng.

“Cả thôn luôn giữ vững một quy ước chung, ai muốn lấy gì của rừng đều phải được sự cho phép của tất cả mọi người, báo cáo rõ ràng với Trưởng bản. Nếu tất cả thống nhất cho chặt mới được chặt cây. Lúc chặt cũng chẳng ai dám lấy quá khối lượng được cho phép. Bởi mọi người quan niệm, bất cứ hành động nào cũng chịu sự giám sát của “Thần rừng”. Ai làm sai là bị “Ngài” trừng phạt ngay”, ông Pham cho biết.

Đội kiểm lâm tự quản thôn Tát Kẻ

Thế nhưng, bắt đầu từ đầu những năm 2000, những đoàn người lạ mặt chẳng biết từ đâu ồ ạt đổ về Tát Kẻ mang theo “cơn bão” tàn phá rừng khủng khiếp. Thời gian đầu, họ cứ thế hồn nhiên vác cưa vào rừng xẻ gỗ mà chẳng cần hỏi ý kiến bất cứ người nào trong thôn. “Thấy họ ngang nhiên thế, chúng tôi tưởng đó là người Nhà nước được sự cho phép về đây khai thác gỗ. Nào ngờ đó chính là lũ “lâm tặc”, kẻ thù của “Thần rừng”, ông Pham nhớ lại.

truong thon giu rung va bai hoc dong thoai voi nguoi dan
Bà con thôn Tát Kẻ con nghèo nhưng vẫn không dám xâm phạm "thần rừng"

Trước thái độ kiên quyết của dân làng, đám lâm tặc thay vì trực tiếp vào phá rừng, chúng tìm cách mua chuộc chính những người dân làng nhằm biến họ làm tay sai cho chúng. Đầu tiên chúng tìm hiểu xem trong làng gia đình nào nghèo nhất, hộ nào cần tiền nhất để mua chuộc bằng những tờ tiền mới tinh, những món đồ giá trị ở dưới xuôi. Không ít người đã bị mờ mắt bởi những món lợi đó, họ chối bỏ quy ước của dân làng để tình nguyện làm tay sai cho lâm tăc. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm cây cổ thụ trong rừng Tát Kẻ - Bản Bung bị đốn hạ. Màu xanh mút mắt ngày xưa nay bị thủng lỗ chỗ khắp nơi.

Trước tình trạng đó, ông Pham và những bậc cao niên trong làng đã phải cầu cứu tới chính quyền địa phương. Một đội kiểm lâm gồm phần lớn những người thôn Tát Kẻ được thành lập với nhiệm vụ đánh đuổi lâm tặc, bảo vệ rừng. Trong đội kiểm lâm tự quản đó, ông Pham là một trong những người xông xáo, nhiệt tình nhất. Chính nhờ những cá nhân tháo vác như ông Pham, tình trạng phá rừng đã thuyên giảm rõ rệt. Nhiều người tự nguyện từ bỏ làm tay sai cho lâm tặc, quay lại đoàn kết với dân làng đánh đuổi lâm tặc bảo vệ rừng.

truong thon giu rung va bai hoc dong thoai voi nguoi dan
Những vạt rừng xanh tốt trong KBT Tát Kẻ – Bản Bung

“Hồi đó nào có tiền lương gì đâu. Có chăng thì một vài món đồ động viên từ chính quyền hoặc do người dân trong thôn tự đóng góp nhưng mọi người ai cũng hăng hái”, ông Pham kể. Nhận thấy ông Pham là người uy tín nhất trong làng, năm 1998, ông được chính thức bổ nhiệm giữ chức vụ “người gác rừng” của Khu bảo tồn Thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung.

“Muốn giữ được rừng, phải biết “đồng thoại” với người dân…”

Chỉ tay vào những cây nghiến cổ thụ sừng sững ôm lấy những khối đá tai mèo sắc lẹm, ông Pham nói ra câu đó như một chiêm nghiệm sâu sắc trong nghề. Ông bảo thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, ông phải trải qua không ít khó khăn và hiểu lầm của người dân.

Có người cho rằng ông nhận nhiệm vụ vì những khoản “màu mè” lớn lắm. Lại có kẻ tung tin ông ngăn không cho mọi người chặt gỗ là “để dành” rồi đem bán nơi khác… “Công tác bảo vệ rừng được xiết chặt cũng đồng nghĩa với những quy định khắt khe, ngặt nghèo hơn để đảm bảo sự công minh, nghiêm ngặt. Chính điều đó khiến nhiều người không hài lòng”, ông Pham nói.

Hiểu tâm lý đồng bào, ông kiên nhẫn đến từng gia đình trò chuyện, giải thích nhằm đả thông tư tưởng cho họ. Cái khó nhất là khiến các hộ trong thôn đồng ý kí vảo bản cam kết bảo vệ rừng và không xâm hại tài nguyên rừng nữa. “Người đồng bào vốn thật thà, chất phác và dễ bị tổn thương. Nếu mình không biết cách nói, họ sẽ nghĩ rằng mình bảo họ kí cao kết vì không tin tưởng họ”, ông Pham phân tích.

truong thon giu rung va bai hoc dong thoai voi nguoi dan
Bao đời nay, người dân thôn Tát Kẻ vẫn sống hài hòa với "thần rừng"

Tuy nhiên, nhờ sự am hiểu tâm lý của người địa phương nơi mà bản thân cũng chính là một người con của buôn làng, ông Pham đã từng bước thuyết phục được mọi người đồng thuận. Gần 30 hộ dân ở thôn Tát Kẻ không chỉ kí cam kết bảo vệ rừng mà tâm lý mọi người cũng vô cùng thỏa mãn, tin tưởng.

“Đến lúc đi làm công tác dân vận tôi mới hiểu vì sao các anh trên xã, huyện lại giao cho tôi trọng trách này. Theo đúng quy luật, cán bộ lớn bên trên về trực tiếp tuyên truyền thì tiếng nói sẽ có trọng lượng. Nhưng trong trường hợp này, tôi lại là người phù hợp nhất. Những người cùng sống trong một môi trường, cùng chung một phong tục và cùng hiểu những nguyên tắc hành xử địa phương sẽ dễ dàng “đồng thoại” hơn”, ông Pham nói.

Câu chuyện của ông Phàm sẽ còn nối dài mãi nếu như đôi chân tôi không “biểu tình” vì kiệt sức sau gần chục cây số đánh vật với những cách đá vôi dựng đứng trong KBT. Tôi đành phải dừng chân tạm biệt ông. Trước lúc tiễn khách ra về, người đàn ông có tới hơn nửa thế kỉ gắn bó với rừng xanh ấy nhắc đi nhắc lại một nói như một triết lí sống còn của mình: “Làm nghề gác rừng thì phải biết yêu lấy cây cỏ, muông thú, biết “đồng thoại” với bà con. Khi người và rừng giao hòa được với nhau, về sự tồn tại và lợi ích, thì rừng sẽ vẫn xanh tốt mà con người cũng sẽ sinh sôi”.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.